Đêm trời trong sáng, sao nhấp nháy giống như những đốm bạc khảm lên bầu trời đen mênh mông. Xem kỹ những chấm sáng to nhỏ, mật độ dày thưa khác nhau người ta cảm thấy sao trên trời nhiều đếm không xuể. Chẳng trách người ta đặt ra câu hát: “Đố ai đo được trời cao, đố ai đếm được hết sao trên trời”.
Thực ra các ngôi sao trên trời mắt thường nhìn thấy là có thể đếm được.
Các nhà thiên văn chia độ sáng của các ngôi sao thành các cấp: sao sáng nhất là cấp 1, tiếp theo là cấp 2, cấp 3…sao tối nhất mà mắt thường còn thấy được là sao cấp 6. Thực ra các ngôi sao mắt thường có thể thấy được không nhiều đến mức như ta tưởng. Ví dụ sao cấp 1 có tất cả 20 ngôi, sao cấp 2 có 46 ngôi, sao cấp 3 có 134 ngôi, sao cấp 4 có 458 ngôi, sao cấp 5 có 1476 ngôi, sao cấp 6 có 4840 ngôi. Tổng cộng từ cấp 1 đến cấp 6 có tất cả 6974 ngôi.
Không những thế một người tại một thời điểm chỉ có thể nhìn thấy một nửa số sao trên bầu trời, còn nửa kia nằm dưới đường chân trời nên ta không thấy được. Do đó bất cứ thời gian nào số sao ta có thể nhìn thấy trên trời cũng chỉ khoảng 3000 ngôi.
Nếu dùng kính viễn vọng để quan sát thì tình hình sẽ khác hẳn. Cho dù là kính thiên văn nhỏ nhất cũng có thể nhìn thấy trên 5 vạn ngôi sao. Thông qua kính viễn vọng thiên văn hiện đại số ngôi sao có thể thấy được tối thiểu trên 1 tỉ.
Thực ra số sao trên trời không chỉ có thế. Có một số ngôi sao cách ta rất xa mặc dù dùng kính viễn vọng lớn nhất cũng không thể nhìn thấy dấu vết của nó. Có những ngôi sao xa đến mức kính thiên văn cỡ lớn cũng chỉ nhìn thấy là một đốm sáng mơ hồ, nhưng thực ra bản thân nó bao gồm hàng trăm tỉ ngôi sao.
Trong vũ trụ cuối cùng có bao nhiêu hệ sao khổng lồ? Trong vũ trụ còn có những hệ thiên thể nào mà con người chưa phát hiện? Cho đến nay đó vẫn còn là một câu hỏi đặt ra cho các nhà thiên văn mà chưa ai giải đáp được.