Các đài thiên văn chủ yếu là những cơ sở để quan trắc thiên văn và nghiên cứu, nên các đài thiên văn phần nhiều được đặt trên đỉnh núi.
Công việc chủ yếu của đài thiên văn là dùng kính viễn vọng thiên văn để quan trắc các ngôi sao. Đài thiên văn đặt trên đỉnh núi có phải là để gần các ngôi sao hơn không?
Không phải thế. Các ngôi sao cách chúng ta rất xa. Nói chung hằng tinh cách xa mấy vạn tỉ km, thiên thể gần ta nhất là Mặt Trăng, cách Trái Đất hơn 380.000 km. Các ngọn núi nói chung chỉ cao mấy km cho nên cự ly rút ngắn không đáng kể gì.
Chủ yếu là Trái Đất bị bầu khí quyển bao phủ, ánh sáng các ngôi sao phải xuyên qua tầng khí quyển này mới chiếu đến kính viễn vọng của đài thiên văn được. Còn thêm sương mù, bụi bặm và hơi nước trong không khí ảnh hưởng rất nhiều đến quan trắc thiên văn, nhất là những nơi gần thành phố lớn, ban đêm ánh đèn thành phố hắt lên không trung, chiếu lên những hạt bụi nhỏ này, khiến cho bầu trời sáng, ngăn cản các nhà thiên văn quan sát những ngôi sao tối. Ở những chỗ cách xa thành phố, bụi bặm và sương mù tương đối ít, tình hình có khá hơn nhưng vẫn không thể tránh khỏi ảnh hưởng.
Chỗ càng cao không khí càng loãng, sương mù, bụi bặm và hơi nước càng ít nên ảnh hưởng càng nhỏ, cho nên người ta đặt các đài thiên văn trên đỉnh núi. Ngày nay trên thế giới có 3 đài thiên văn lớn nhất đều đặt trên đỉnh núi, đó là đỉnh núi Ymonakhaia ở Hawaii cao hơn mặt biển 4206 m, núi Antis ở Chilê cao hơn mặt biển 2.500 m và núi Ganali ở Đại tây dương cao hơn mặt biển 2.426 m.