“Từ lâu mọi người luôn nghĩ rằng: Trái Đất quay đều quanh trục của mình, đại thể một vòng mất 23 h 56’. Trên thực tế không phải Trái Đất luôn tự quay với tốc độ đều, mà trong một năm có lúc quay nhanh, có lúc quay chậm.
Trái Đất tự quay không những không đồng đều trong một năm mà trong nhiều thế kỷ cũng không đồng đều. 2000 năm lại đây, cứ mỗi trăm năm, một ngày đêm kéo dài 0,001 giây. Hơn nữa qua mấy chục năm Trái Đất lại có một bước nhảy, có mấy năm quay nhanh hơn, có mấy năm lại quay chậm lại.
Vì sao Trái Đất lại có hành vi “”nghịch ngợm”” như thế?
Các nhà khoa học đã không mệt mỏi tìm kiếm nguyên nhân, đáp án được dần dần làm sáng tỏ: các sông băng ở Nam Cực đang tan dần. Điều đó có nghĩa các tảng băng ở lục địa Nam Cực đang giảm dần, gây ra sự biến đổi phân bố khối lượng của Trái Đất, ảnh hưởng đến tốc độ tự quay của Trái Đất.
Mặt Trăng cũng gây ra thủy triều cho nước biển. Nước thuỷ triều ngược chiều với chiều tự quay của Trái Đất như vậy làm cho tốc độ tự quay giảm dần.
Hàng năm mùa đông gió từ biển thổi vào lục địa, mùa hè gió từ lục địa thổi ra biển. Khối lượng không khí chuyển động này lớn tới mức khó mà ngờ rằng đó là 30 vạn tỉ tấn. Một khối lượng lớn không khí từ chỗ này chuyển đến chỗ kia, sau đó từ chỗ kia lại chuyển về, làm cho trọng tâm Trái Đất bị ảnh hưởng, lực ma sát cũng biến đổi, kết quả tốc độ quay lúc nhanh lúc chậm.
Tốc độ tự quay của Trái Đất còn liên quan tới nguyên nhân của các dòng hải lưu, sự chuyển động mảng của vỏ Trái Đất, sự phân bố lại các chất ở tâm Trái Đất, vv. .Tất cả chúng đều ảnh hưởng nhiều hoặc ít đến tốc độ tự quay của Trái Đất. Vì vậy có rất nhiều nguyên nhân phức tạp ảnh hưởng đến sự biến đổi tốc độ tự quay của Trái Đất. Điều đó đã trở thành chuyên đề nghiên cứu của các nhà khoa học thiên văn.”