“Những người hay quan sát bầu trời đều thấy có một ngôi sao Bắc Cực rất to. Tìm được sao Bắc Cực thì các hướng đông, tây, nam, bắc sẽ dễ dàng xác định, vì sao Bắc Cực luôn đóng ở phương Bắc.
Sao Bắc Cực có một đặc điểm thú vị. Buổi tối ta thấy các ngôi sao đều mọc từ phía đông lặn xuống phía tây. Còn sao Bắc Cực giống như một đại Nguyên soái ổn định trong trướng trung quân, hầu như bất động. Quan sát kỹ hơn sẽ còn phát hiện các ngôi sao khác đều quay quanh sao Bắc Cực. Đó là vì sao?
Nguyên là các ngôi sao đều mọc từ phía đông lặn xuống phía tây là do Trái Đất tự quay gây nên. Trái Đất tự quay không ngừng từ tây sang đông theo một trục tưởng tượng, vì thế sinh ra ngày và đêm, cũng các sao mọc từ phía đông, lặn xuống phía tây. Nếu kéo dài vô hạn trục tự quay tưởng tượng này của Trái Đất thì nó sẽ giao nhau với bầu trời ở hai điểm. Một điểm trên phương trời cực Bắc của Trái Đất gọi là cực bầu trời Bắc, phương tương ứng với nó là phương chính Bắc, còn một điểm trên phương trời cực Nam của Trái Đất gọi là cực bầu trời Nam, điểm tương ứng với nó là phương chính Nam. Sao Bắc Cực cách cực bầu trời Bắc không đến 1 độ. Mặt hướng về ngôi sao này đương nhiên là phương bắc. Vì Trái Đất tự quay, cho nên khi nhìn lên bầu trời các sao sẽ quay quanh sao Bắc Cực. Sao Bắc Cực ở cạnh cực bầu trời Bắc nên nhìn qua giống như là nó bất động, còn các sao khác quay quanh nó. Thực ra sao Bắc Cực khác với cực bầu trời Bắc. Trên thực tế sao Bắc Cực cũng quay một vòng, chẳng qua vòng tròn bé quá mắt thường không thấy được mà thôi, do đó gây cho ta cảm giác giống như sao Bắc Cực luôn luôn bất động.
Ở bắc bán cầu, sao Bắc Cực là công cụ tốt nhất để nhận ra các hướng trong đêm tối.”