“Nếu có người hỏi bạn “năm nay bạn bao nhiêu tuổi”. Bạn trả lời “tôi 15 tuổi”. Câu trả lời này hoàn toàn chính xác, nhưng con số 15 chỉ là con số gần đúng, không phải là số chính xác. Giả sử bạn lại có người bạn cũng ở độ tuổi 15 và nếu muốn biết chính xác ai có độ tuổi lớn hơn thì bạn phải biết bạn mình sinh vào tháng nào, nên để nói tuổi chính xác bạn phải nói là 15 tuổi, mấy tháng mới tương đối chính xác hơn một chút.
Còn muốn chính xác hơn phải nói cả ngày sinh, tức bạn phải trả lời 15 tuổi, mấy tháng mấy ngày thì mới biết ai lớn tuổi hơn. Giả sử có hai chị em sinh đôi thì muốn biết tuổi chị em lại phải biết hơn nhau mấy giờ hoặc mấy phút. Thực tế khi nói độ tuổi không mấy ai cần biết đến mấy năm, mấy tháng, mấy ngày, mấy giờ.
Mọi người đều biết một giờ chia thành 60 phút, mỗi phút chia thành 60 giây, một giây lại chia thành 1/10,1/100,1/1000… giây và có thể tiếp tục chia nhỏ nữa.
Đương nhiên để nói độ tuổi thì không nhất thiết phải cần biết chính xác đến như vậy, thường người ta chỉ cần nói gần đúng mấy năm là đủ.
Nhưng trong công tác khoa học có nhiều vấn đề cần đến thời gian rất chính xác. Khi nghe thu thanh chúng ta thường nghe thấy tín hiệu báo giờ “tút, tút, tút…tút” từng giây rất chính xác, sai không đến mấy phần nghìn giây. Các nhân viên hàng hải dựa vào tín hiệu báo giờ này để xác định vị trí tàu thuyền. Trong vật lí nguyên tử lại có loại “siêu hạt” thời gian sống chỉ tính bằng 10-20 giây, đương nhiên là khi nói đến độ tuổi của “siêu hạt” phải tính đến từng 10-20 giây. Trong đời sống thường ngày khi nói đến giờ khắc có lúc gần đúng, có lúc chính xác, có lúc ước lượng gần đúng. Khi xét đến độ chính xác đến độ tuổi nào là do yêu cầu thực tế đặt ra. Khi nói đến độ tuổi của người thì không cần chính xác đến từng giây, thế nhưng khi nói đến “siêu hạt” thì người ta phải tính độ tuổi đến 10-20 giây.
Vì vậy, với các vấn đề khác nhau, việc chọn độ chính xác về các số đo là khác nhau. Các bạn thử xem khi đo độ dài của vải và độ dài của đường cái quan thì rõ ràng là độ chính xác cũng cần khác nhau rồi.”