“Chúng ta biết rằng động vật thường lấy thực vật hay các động vật khác để làm thức ăn cho chúng. Thế nhưng có những thực vật cũng có thể lấy những động vật nhỏ làm thức ăn. Vậy chúng bắt những động vật nhỏ biết bay, biết bò như thế nào, và tiêu hóa các sâu bọ ấy để thành chất nuôi sống mình ra sao?
Hóa ra cảm giác của những thực vật ăn sâu bọ rất nhanh nhạy, đồng thời có thể hấp thụ lượng lớn chất hữu cơ. Lá thực vật có thể biến dạng để bắt sâu bọ, tiết ra chất dịch làm tan rã và tiêu hóa động vật nhỏ mà chúng bắt được.
Thực vật có thể ăn sâu bọ có bốn họ, khoảng hơn 400 loài. Ở Trung Quốc có ba họ và hơn 30 loài, chủ yếu là loại cây mao chiên đài, nêu thảm len, cây gọng vó, cây bắt muỗi, cây bắt ruồi, cây nắp ấm, cây bắt mồi và cây rong hoa vàng mọc trong nước. Cây khác nhau có cách bắt mồi khác nhau. Có cây lá giống như chiếc bình, như cỏ bắt ruồi, lá của nó có nhiều cuống lá, gân lá, phần cơ của cuống lá biến đổi thành lá giả bẹt, bên trong biến thành hình cuộn nhỏ dài, phần trên phát triển thành nắp đậy, còn gân chính kéo dài phát triển thành bình. Trong bình rất trơn và có chất dính hấp dẫn sâu bọ. Khi sâu bọ bay vào đậu trên thành bình, không cẩn thận sẽ rơi vào trong bình, lập tức nắp bình đậy lại, cho nên sâu bọ không cách nào bay ra được. Vậy là chúng bị tiêu hóa do những tuyến ở thành bình tiết ra chất dịch. Có những lá cây tự động khép lại như cây bắt muỗi lá cây phát triển thành lá tròn, các mạch phát triển thành hai cánh giống như hai vỏ trai mở ra. Phiến lá bình thường mở ra, trên mặt lá có rất nhiều lông tuyến mẫn cảm có hình răng cưa. Khi sâu bọ đậu vào lá, tiếp xúc với các lông mẫn cảm này thì lá cây liền khép mạnh lại, các lông cứng liền đan xen chặt vào nhau, bó chặt sâu bọ rồi dần tiêu hóa hết.
Còn như loài cây rong hoa vàng sống ở dưới nước mềm yếu, trên thân có rất nhiều túi nhỏ, mỗi một chiếc túi có một cái miệng, xung quanh có lông cứng, sâu bọ có thể vào mà không thể bay ra được.
Cây mao chiên đài rất nhỏ, có lá trải phẳng trên mặt đất, trên phiến lá màu tím hồng của nó có rất nhiều lông tuyến, lông này tiết ra chất nhớt, có sức dính rất mạnh, hơn nữa còn có vị ngọt và mùi thơm, chất nhớt này cho dù dưới ánh sáng cực mạnh cũng không hề bị khô. Khi kiến và ruồi ngửi thấy mùi hương liền đậu vào hay bò lên trên lá thì lá của cây lập tức cong vào trong, những chiếc lông liền tụ lại, bắt gọn sâu bọ, sau một, hai tiếng kiến và sâu bọ sẽ bị lá tiêu hóa hết. Hóa ra chất nhớt này có chức năng tiêu hóa, lá cây lại có chức năng hấp thụ, cho nên có thể tiêu hóa, hấp thụ hết sâu bọ. Cây mao chiên đài còn có khả năng phân biệt nếu bạn đặt một mẩu đá hay những vật không tiêu hóa được lên thì các lông của lá đều không có động tĩnh gì.
Cây mao chiên đài cũng giống như cây gọng vó, sống ở vùng ẩm ướt, râm bóng, trên những vách núi hay trên đá, nếu đem chúng chuyển vào chậu, rồi cho “ăn” những mẩu thịt vụn nhỏ chúng sẽ phát triển rất nhanh. Nhưng thịt không được to quá, nếu không sẽ làm chết cây.
Mối quan hệ giữa thực vật và động vật trong giới tự nhiên rất mật thiết, nhưng lại muôn màu muôn vẻ, đây cũng là kết quả của sự phát triển lâu dài trong giới tự nhiên.”