“Nhân sâm có hai loại lớn: một loại sinh trưởng tự nhiên gọi là “nhân sâm tự nhiên”, một loại do trồng nhân tạo gọi là “nhân sâm nhà”. Do ứng dụng của nhân sâm tự nhiên đã có hàng nghìn năm lịch sử vì vậy trong suy nghĩ của con người có uy tín tương đối cao. Vậy nhân sâm tự nhiên và nhân sâm nhà rốt cuộc có điều gì khác nhau? Để nói rõ được điều này, cần bắt đầu xét từ quá trình sinh trưởng và trồng trọt nhân sâm.
Nhân sâm là loài thực vật thân thảo sống lâu năm, sinh trưởng ở những vùng thuộc khu núi Đông Bắc Trung Quốc, yêu cầu tương đối khắt khe với điều kiện sống, khu vực phân bố có hạn, mà trong điều kiện hoang dã thì sự sinh trưởng của nó rất chậm, rễ nhân sâm phải sinh trưởng từ 30 đến 50 năm mới có thể được 50 g (sau khi gia công làm khô chỉ còn mười mấy gam), ngoài ra chúng còn bị các loài chim, thú, bệnh, côn trùng gây hại tấn công mà chết giữa chừng. Cho nên nhân sâm mọc hoang rất khó đào được, không thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị bệnh. Vì vậy ngay từ hơn 300 năm trước, Trung Quốc đã bắt đầu trồng nhân sâm. Ban đầu, những người trồng nhân sâm tìm những củ nhân sâm chưa lớn, còn chưa đủ tiêu chuẩn để làm thuốc, đánh dấu lên nó, rồi bảo vệ quản lí nó một cách thích hợp. Sau đó, có người lại chuyển những củ nhân sâm nhỏ này vào gần nhà để chăm sóc. Như vậy dần dần tích lũy kinh nghiệm, phát triển nhân sâm giống như các loại cây trồng nông nghiệp khác, tổng kết ra một loạt các biện pháp kĩ thuật trồng trọt như làm đất, trồng bằng cách gieo hạt, chăm sóc cây ươm, che mát dưới bàn tay chăm sóc của con người, đất, nước, ánh sáng… đều ưu việt hơn môi trường hoang dại, thêm vào đó lại thường xuyên được nhổ cỏ, xới đất, trừ sâu bệnh… nhân sâm nhà sinh trưởng phát dục nhanh hơn nhân sâm hoang dại. Qua nghiên cứu có tính thực tiễn bước đầu thấy được củ nhân sâm mà con người trồng 6 năm thu được trọng lượng và chất lượng tương đương củ nhân sâm sống hoang dại mất 20, 30 năm.
Do nhân sâm tự nhiên niên hạn sinh trưởng rất dài, số lượng ít, đào khó khăn, cung không đủ cầu, vì vậy rất quý. Nhưng nhân sâm nhà nhìn từ góc độ thực vật học nó và nhân sâm hoang dại vốn là một nhà, xét từ góc độ hóa học nó và nhân sâm hoang dại về bản chất không có sự khác nhau. Nhân sâm nhà dưới điều kiện quản lí của con người sinh trưởng nhanh, sản lượng lớn hơn hẳn nhân sâm hoang dại, cho nên là nguồn chủ yếu đáp ứng nhu cầu của quảng đại quần chúng.”