“Thực vật sinh trưởng suốt đời ở một chỗ cố định, không thể di chuyển được, vậy làm thế nào mà chúng vẫn có thể duy trì nòi giống, phân bố ở khắp mọi nơi trên Trái Đất này? Con người chăng? Đúng vậy, ở đây có công lao của con người. Bạn thấy đấy, cây lúa nước bắt nguồn từ vùng đầm lầy phía Nam, nhờ có sự nuôi trồng của con người, ngày nay đã có mặt ở các cánh đồng ở miền Bắc xa xôi. Thế nhưng trên Trái Đất còn có mấy trăm nghìn loài thực vật hoang dã thì ai đã giúp chúng di chuyển?
Thực vật chủ yếu nhờ vào sự phát tán của quả và hạt của chúng để có mặt ở khắp nơi. Các loài thực vật trong quá trình tiến hóa đều có một bản lĩnh là tự mình phân tán quả và hạt; đồng thời còn tự mình tìm được một người giúp đỡ ngầm để phối hợp cùng hoàn thành quá trình phát tán muôn hình muôn vẻ.
Cây bồ công anh sinh trưởng trong các cánh đồng, quả của nó rất nhỏ nhưng trên đầu quả có một túm lông còn lớn hơn quả, chỉ một cơn gió nhẹ, túm lông này sẽ xoè ra như cái dù, mang quả rời xa cây mẹ, theo gió bay tới nơi rất xa, rồi rơi xuống tại nơi mới chúng bắt đầu một cuộc đời mới sinh sôi nảy nở. Ở miền Nam Trung Quốc, có một loại cây to, quả của nó giống như con dao vừa to vừa dài, treo lơ lửng trên ngọn cây. Khi quả chín vỡ ra, vô số hạt bay ra, giống như một đàn bướm trắng bay lượn trong không trung. Hạt vốn rất nhỏ, nhưng lại được bao bọc bởi một lớp màng mỏng trong suốt như lớp màng vỏ cây tre, hình dáng bên ngoài giống như một con bướm xòe đôi cánh, có người gọi chúng một cách hình tượng là cây “bướm gỗ”, và bản thân cây cũng có cái tên đẹp như vậy. Cây bồ công anh hay cây bướm gỗ đều có trợ thủ đắc lực là gió; gió giúp chúng đưa hạt và quả đi xa.
Phàm những cây có quả và hạt nhờ gió phát tán đều có “cánh” màng mỏng như cây bồ công anh và cây bướm gỗ. Cánh có thể giúp hạt và quả nhẹ bớt, sức nổi tăng, khi có gió, chúng sẽ bay đi, gió càng to chúng càng bay cao, bay xa. Các thực vật dựa vào gió để truyền giống còn có cây dương liễu, cây phong, cây dụ v.v.
Những cây sống ở vùng núi cao hoặc ven nước thì lại nhờ có nước phát tán. Cây dừa được coi là nhà du hành trên nước xuất sắc nhất trong giới thực vật. Quả dừa to như quả bóng rổ, lại có lớp vỏ cứng vừa không dễ thấm nước vừa có thể ngâm lâu trong nước biển vừa mặn vừa chát mà không bị hỏng, lớp giữa của quả dừa là một lớp sợi dày, rất nhẹ, chứa đầy không khí, nhờ có lớp này mà cả quả dừa nặng như vậy mới có thể nổi trên mặt nước như được mặc một chiếc áo cứu sinh; lớp bên trong mới là vỏ cứng bảo bệ cho thế hệ sau “chưa ra đời”. Khi quả dừa chín, rơi từ trên cây xuống, nếu rơi xuống biển, sóng biển sẽ mang nó đi ra xa ngoài khơi rồi lại dạt vào một bờ biển nào đó cách xa chỗ cũ hàng trăm km, thậm chí xa hơn, nếu gặp môi trường thích hợp, một cây dừa con sẽ ra đời và bắt đầu cuộc sống độc lập của nó. Mùa hè, chúng ta thấy có những chiếc đài sen trong đầm, trông chúng giống như những chiếc bát nhỏ, đứng thẳng thắn trong đầm, đừng tưởng chúng to hơn bàn tay bạn, nếu dùng tay bóp chúng sẽ bé lại chỉ còn nằm trong lòng bàn tay bạn mà thôi, hóa ra tính chất của nó xốp như bọt biển, bên trong chứa đầy không khí, giữa tổ chức xốp này có mấy chục hạt sen. Sau mùa thu, đài sen như chiếc thu yền xốp đem theo những hành khách hạt sen trôi trên mặt nước. Bây giờ thì bạn biết rồi, những hạt, quả phát tán nhờ nước thì bên ngoài bao giờ cũng có một lớp bảo vệ vừa dày vừa nhẹ chứa đầy không khí, khiến chúng có thể nổi trên mặt nước, đi chu du theo sóng.
Có nhiều loại thực vật lại nhờ con người hoặc do động vật phát tán hạt hoặc quả. Có quả, hạt rất nhỏ bé, nếu bạn vô ý dẫm phải, chúng sẽ dính vào dưới giày của bạn và sẽ cùng bạn đi khắp nơi. Một số quả, hạt lại có gai, móc, khi con người hay động vật chạm vào chúng, những chiếc gái và móc này sẽ bám vào quần áo hay lông của động vật, nhờ đó chúng được mang đi xa như hạt ngưu tất, hạt thương nhớ, hạt cỏ xước, quả cỏ may…
Loài chim cũng là loài giúp cây trồng phát tán. Khi loài chim bay vào rừng tìm thức ăn, những loài quả mọng nước, óng ánh rất hấp dẫn chúng, chúng vội vàng nuốt ngay cả quả này vào trong bụng, không lâu sau những hạt này sẽ theo phân chim ra ngoài. Chim bay đến nơi nào thì hạt sẽ nảy mầm ở nơi đó.
Đương nhiên, trong giới thực vật còn có rất nhiều loài “không cần sự giúp sức của con người” như cây bóng nước, đậu Hà Lan… chúng không nhờ gió, không nhờ nước, cũng không nhờ động vật, mà tự sức mình bắn hạt ra. Thú vị nhất phải kể đến quả dưa phun, nó giống như những hạt nằm trong một quả trám nhưng to hơn quả trám một chút, hạt của nó không giống như những dưa mềm mà ta thường thấy, chúng ở trong một dịch nước sền sệt, đặc dính, chính nước này đã làm cho vỏ quả dưa căng mạnh ra, khi dưa chín chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua, cuống dưa sẽ tự nhiên tách ra khỏi quả dưa, tạo ra một lỗ nhỏ, giống như ta mở nắp chai nước ga, từ lỗ đó hạt dưa sẽ phun ra ngoài, thậm chí có thể phun xa mấy mét.”