Cao lương là một cây trồng có khả năng chống hạn rất tốt cho nên con người gọi nó “lạc đà của giới thực vật”. Cao lương có thể chịu hạn, là do nó có bản lĩnh tăng thu giảm chi trong việc sử dụng nước. Nó hấp thụ lượng nước nhiều, tiêu hao lại ít. Cho nên cao lương có thể duy trì mức nước cân bằng trong cơ thể vào mùa khô hạn.
Thực vật hấp thụ nước chủ yếu nhờ rễ. Bộ rễ của cao lương rất phát đạt, có rễ sơ sinh, rễ thứ sinh và rễ chống đỡ, phân bổ rộng, đâm sâu trong đất, giúp nó có thể tiếp xúc với nước trong phạm vi lớn. Bản lĩnh hút nước của tế bào rễ cao lương cũng rất mạnh, mặc dù trong tình hình lượng nước trong đất khô hạn nó cũng có thể hấp thụ nước một cách thuận lợi.
Thực vật tiêu hao nước chủ yếu thông qua tác dụng bốc hơi của thân và lá. Diện tích lá cao lương nhỏ, mặt lá trơn bóng hơn nữa lại có chất sáp, số lỗ khí ít, vỏ thân cao lương do các tế bào vách dày tạo nên, cũng có chất dạng phấn sáp, nhờ những ưu điểm này mà cao lương giảm sự tiêu hao nước.
Quê hương của cao lương ở vùng nhiệt đới, bản lĩnh chịu nóng cao, vào mùa khô, nó có thể tạm thời chuyển sang trạng thái “ngủ”, ngừng sinh trưởng đợi đến khi có nước lại khôi phục sự sinh trưởng. Như vậy tăng sức chịu hạn của cao lương.
Ngoài ra cao lương còn có khả năng chịu úng nhất định. Nói chung, nạn úng chủ yếu không phải là do có nhiều nước (bộ rễ của thực vật ngâm trong nước cũng có thể sinh trưởng rất tốt), mà do thiếu oxi. Do đất tích quá nhiều nước, giảm không khí trong đất, khiến cho bộ rễ không được cung cấp đủ oxi mà chết. Bộ rễ của cao lương đối với sự nguy hại do thiếu oxi gây ra có khả năng chống chịu nhất định. Ngoài ra ngọn thân cao lương cao lại khá cứng, lượng nước không dễ thấm vào trong cơ thể, cũng là một trong những nguyên nhân mà cao lương có thể chịu úng. Đương nhiên, ngâm nước quá sâu và quá lâu, đặc biệt là trong nước lẫn bùn cát, thì cao lương cũng bị hại hỏng.