“Những cây ta thường gặp thông thường là lá phát triển rồi hoa mới nở nhưng cây mai vàng và cây ngọc lan thì tại sao ra hoa trước rồi mới mọc lá? Đó là một vấn đề rất lí thú. Người xưa còn gọi chúng là loài “có hoa mà không có lá”! Để hiểu rõ điều này ta hãy xem kết cấu của hoa và lá.
Nói chung, những cây có hoa nở vào mùa xuân, các bộ phận của hoa và lá đều đã trưởng thành từ mùa thu trước và ẩn ở trong mầm. Cuối thu đầu đông, sau khi những chiếc lá rơi xuống, ngắt một chiếc mầm rồi tách ra xem sẽ thấy hình thức ban đầu của chúng. Đến mùa xuân nhiệt độ ấm dần, các tế bào nhanh chóng phân chia, phát triển, dẫn đến các bộ phận hoa và lá cũng vươn ra, hình thành hiện tượng hoa nở, lá dài ra.
Các loài cây khác nhau có kết cấu mầm khác nhau, một loại nhờ chất dinh dưỡng ở cành để phát triển gọi là mầm lá, một loại bên trong có hình thức ban đầu của hoa hoặc chùm hoa, gọi là mầm hoa, còn có một loại có cả phát dục thành cành nhưng lại có hoa và chùm hoa, gọi là mầm hỗn hợp.
Mỗi một chức năng của các cơ quan thực vật đều có yêu cầu riêng đối với nhiệt độ. Sự sinh trưởng mầm lá và mầm hoa của cây đào có yêu cầu về nhiệt độ gần giống nhau vì vậy đến mùa xuân hoa và lá của chúng cùng nở một lúc. Cây mai vàng và ngọc lan lại khác, nhiệt độ cần cho sự ra hoa tương đối thấp, nên đầu mùa xuân đã đáp ứng được nhu cầu của nó, mầm hoa dần dần lớn và nở hoa. Nhưng đối với mầm lá thì nhiệt độ đó còn quá thấp, không đủ cho nhu cầu sinh trưởng vì thế mà vẫn chưa phát triển, đợi đến khi nhiệt độ tăng dần mầm lá mới dần lớn lên. Do đó, cây mai vàng và cây ngọc lan mới có hiện tượng hoa nở trước, lá mọc sau.”