“Sau một đêm mưa xuân, trong vườn tre đều mọc rất nhiều măng, và chỉ sau vài ngày là chúng lớn lên thành cây tre, cho nên người ta thường có câu “măng mọc sau mưa xuân” để hình dung sự vật phát triển mạnh mẽ.
Tại sao lại như vậy?
Hóa ra loài tre vốn là loài cây xanh quanh năm, thuộc loài thân lúa (lớp thực vật một lá mầm). Chúng có thân mọc ở dưới đất gọi là “roi”.
Thân dưới đất này mọc nằm ngang, giữa thân rỗng cũng có đốt như tre ở phía trên mặt đất, thậm chí có rất nhiều đốt, trên các đốt đều mọc rất nhiều rễ chùm và mầm. Một số mầm phát triển thành măng hoặc cây tre, những mầm khác không phát triển lên trên mặt đất mà chỉ mọc nằm ngang trong lòng đất, tạo thành roi tre mới, khi nó còn non, đào lên ta gọi là “măng roi”. Vào mùa thu đông, mầm sinh trưởng trong đất, bên ngoài được bao bọc lớp vỏ, còn chưa nhô lên khỏi mặt đất, những măng này rất mập đào lên được ta gọi là “măng đông”.
Những mầm trên các đốt thân tre dưới đất gặp khí hậu ấm áp vào mùa xuân sẽ mọc nhô lên khỏi mặt đất và được bọc bởi lớp vỏ tre ta gọi là “măng xuân”, ăn chúng rất ngon và có thể làm măng khô, măng muối và đóng hộp. Nhưng lúc này thường do đất còn khô, lượng nước không đủ, cho nên măng mọc không nhanh, có những mầm tạm thời “trốn” trong lòng đất, cũng giống như cung đã giương tên nhưng chưa bắn ra mà thôi. Nếu có một đợt mưa thì lượng nước này sẽ giúp măng vươn lên khỏi mặt đất như mũi tên được bắn khỏi cung.
Sau khi măng xuân nhô lên thì lớn rất nhanh. Nếu muốn đào chúng làm thức ăn thì phải kịp thời, đào muộn chúng sẽ mọc thành tre.”