“Những thực vật sống ở trên cạn đều dựa vào chất diệp lục có trong cây, lợi dụng ánh sáng làm động lực lấy cacbonic và nước làm nguyên liệu, qua sự “gia công” tạo ra các chất hữu cơ như đường, mỡ, protein, thúc đẩy sự sinh trưởng, phát dục và sinh sôi nảy nở.
Ở dưới biển lớn mênh mông, sóng biếc dập dờn có các loại tảo – loài thực vật kỳ lạ, tươi đẹp; có hải đới có phiến lá “màu nâu” dài hàng mét, có tảo đỏ (như rau câu) giống như cành cây nhỏ, có tảo gạc hươu màu lá cọ, ngoài ra còn có tảo vỏ, trên vỏ của nó có khắc hoa văn đẹp đẽ tinh tế, xem ra chúng đều không phải màu xanh. Vậy chúng tiến hành quang hợp như thế nào?
Trên thực tế, thực vật sống ở dưới biển cũng có chất diệp lục, có điều là hàm lượng không nhiều, nói chung những thực vật sống gần mặt biển thì hàm lượng chất diệp lục nhiều hơn một ít, những thực vật càng ở sâu dưới biển thì hàm lượng chất diệp lục càng ít. Sở dĩ loài tảo có các loại màu sắc khác nhau, là vì bên trong cơ thể chúng còn chứa một số sắc tố khác gọi là chất tảo đản, như trong tảo đỏ, có nhiều màu đỏ, tảo lam có nhiều chất màu lam, tảo gạc hươu có một loại carôtin đặc biệt, cho nên có màu lá cọ. Những chất này che phủ chất diệp lục ít ỏi có trong tảo, cho nên bề ngoài ta không nhìn thấy màu xanh được.
Khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống mặt biển, những tảo sống trên mặt biển chứa tương đối nhiều chất diệp lục có thể xảy ra quá trình quang hợp như thực vật trên cạn. Tình hình dưới biển và trên mặt biển thì khác nhau nhiều, nước biển xanh biếc sâu như thế, trên mặt biển lại có rất nhiều sinh vật đang hoạt động, trong nước biển lại có hàm lượng lớn các loại muối, vì vậy gây sự trở ngại nhất định cho tia sáng nhiều màu sắc xuyên xuống nước biển. Ánh sáng đỏ chỉ có thể xuyên xuống tầng bề mặt nước biển, ánh sáng màu da cam chỉ có thể xuyên sâu hơn một ít, ánh sáng màu lục, màu lam, màu tím có thể xuyên sâu hơn. Trong giới tảo, loài tảo màu lục hấp thụ được ánh sáng đỏ, cho nên sống ở nơi nông nhất; tảo màu lam hấp thụ ánh sáng màu da cam, nên sống ở nơi sâu hơn; tảo nâu hấp thụ ánh sáng màu vàng xanh và màu đỏ nên sống ở nơi sâu hơn nữa; tảo hồng hấp thụ ánh sáng lục nên sống ở nơi sâu nhất, tảo hồng sống trong biển sâu có chứa chất anbumin của tảo đỏ, nó có thể dùng sắc tố này để hấp thụ ánh sáng màu lam tím mà chất diệp lục không thể hấp thụ được để tiến hành quang hợp.
Tuy nhiên dưới biển sâu, cũng có lúc tìm thấy một số loài tảo màu lục, hoạt động sống của chúng rất chậm chạp, các loại tảo màu lục này chỉ cần hấp thụ rất ít ánh sáng là có thể đủ cho nhu cầu sống rồi.”