Ngủ mơ là trạng thái tích cực của cơ thể. Trong lúc ngủ mơ, não của con người sẽ truyền tin tức mà ban ngày ta đã tiếp thu được vào trong vỏ não và tiến hành công việc xử lý, phân tích, gia công và mã hoá số tin tức ấy. Một bộ phận tin tức có lợi sẽ được chuyển từ chế độ ghi nhớ tạm thời sang chế độ ghi nhớ lâu dài; phần tin tức không có lợi sẽ bị bỏ đi và rơi vào quên lãng.
Giấc ngủ có thể loại trừ việc quá nhiều tin tức bị nhập vào trong não. Khi hoạt động sinh lý bình thường, giấc ngủ là biện pháp tốt nhất đế loại trừ sự bồn chồn lo lắng và rối loạn đầu óc. Khi ngủ, cơ thể hầu như bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, vì thế hoạt động tư duy của đại não tập trung vào vấn đề mà nó hứng thú nhất và bắt đầu công việc chỉnh lý tin tức một cách tốt nhất.
Người ta đã làm một thí nghiệm như sau:
Khi người bị thí nghiệm bắt đầu rơi vào trạng thái ngủ mơ thì lập tức người ta gọi người đó tỉnh dậy và không cho họ ngủ mơ. Buổi tối thứ nhất họ không ngủ mơ, tối thứ hai, tối thứ ba cũng như vậy. Kết quả là người bị thí nghiệm luôn trong trạng thái lo lắng hồi hộp, khó chịu, không tập trung, tư tưởng thường bị phân tán, dễ nổi cáu, rối loạn tinh thần và hành vi. Từ đó có thể thấy, ngủ mơ không những là một công đoạn tất yếu để phục hồi trí tuệ mà còn rất có lợi cho việc sáng tạo và phát minh.
Rất nhiều nhà khoa học trong lúc ngủ mơ vẫn làm công việc sáng tạo. Nhà bác học Mỹ Êđixơn tuy không ngủ nhiều nhưng ông thường có những giấc mơ về việc phát minh của mình. Cha đẻ của tư tưởng khoa học hiện đại Đề các tơ, vào một buổi tối nọ, ông mơ liên tiếp ba giấc mơ. Theo gợi ý trong những giấc mơ, ông đã đưa ra những khái niệm cơ bản của phương pháp luận toán học và phương pháp luận vật lý học. Trong giấc mơ, Mác phát hiện được nhiều điều kỳ lạ.
Trường đại học Cambridge đã tiến hành một cuộc điều tra với những học giả trong nhiều ngành khoa học khác nhau, nội dung điều tra là công việc và thói quen của họ. Kết quả, có tới 70% các nhà khoa học có được ý tưởng từ những giấc mơ. Trường đại học Geneva cũng đã tiến hành một cuộc điều tra như vậy với 60 nhà toán học. Trong số 60 người được điều tra đã có tới 51 người trả lời rằng, họ giải đáp được khá nhiều vấn đề trong lúc ngủ và nằm mơ.
Vấn đề tại sao con người lại mơ ngủ tới nay vẫn chưa tìm ra được cách lí giải chính xác nhưng rõ ràng ngủ mơ không ảnh hưởng tới trí tuệ của con người. Do đó khi bạn thường xuyên ngủ mơ, bạn không nên lo lắng, vì như thế sẽ làm cho trí tưởng tượng của bạn phong phú hơn.