Tại sao độ cao của các cây cầu so với mặt đường lại khác nhau?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Nếu bạn thường xuyên đi qua các cây cầu bắc qua sông, bạn sẽ thấy độ cao so với mặt đường của các cây cầu này là khác nhau. Có những cây cầu cao hơn rất nhiều so với mặt đường nhưng cũng có những cây cầu chỉ cao hơn mặt đường một chút, thậm chí có những cây cầu làm bằng phẳng với đường. Tại sao?

Như chúng ta đã biết, tác dụng của cầu là nối liền giao thông giữa hai bên bờ sông. Nếu chiều cao mặt cầu cũng bằng chiều cao của mặt đường hai bên bờ sông thì tuy xe cộ đi lại thuận tiện nhưng lại thường cản trở giao thông đường thuỷ; ảnh hưởng đến đi lại của tàu thuyền trên sông. Nếu xây cầu quá cao thì không những tốn nhiều nguyên vật liệu, cầu khó thi công mà còn làm tăng độ dốc của cầu so với mặt đường, gây khó khăn cho việc qua cầu của các phương tiện giao thông, đặc biệt là đối với các phương tiện thô sơ.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa giao thông trên cầu và dưới cầu, các nhà thiết kế cầu đường đã căn cứ vào nhu cầu đi lại của các phương tiện giao thông đường bộ và đường sông để quyết định xây cầu cao hơn hay thấp hoặc bằng với mặt đường ở hai bên đầu cầu.

Đối với những con sông thường xuyên có tàu thuyền qua lại thì người ta xây dựng cây cầu cao hơn nhiều so với mặt đường đảm bảo thuận tiện cho các tàu thuyền khi chui qua cầu. Còn đối với những dòng sông không có tàu thuyền qua lại hoặc không cho phép tàu thuyền đi vào thì người ta xây dựng những cây cầu thấp để thuận tiện cho các phương tiện giao thông qua lại trên cầu.

Xây dựng các cây cầu cao hơn mặt đường hai bên bờ sông cũng không thể cao đột ngột, như vậy sẽ không tiện cho xe cộ đi lại trên cầu, vì vậy người ta đã xây dựng một đoạn chân cầu khá dài để giảm dần độ dốc của cầu, giúp cho xe cộ lên xuống một cách dễ dàng… Có hai cách để làm giảm độ cao của cầu so với mặt đường.

Cách thứ nhất là nâng cao mặt đường. Nếu độ cao của mặt cầu và mặt đường không quá chênh lệch nhau, có thể bồi cao dần mặt đường cho tới khi mặt đường cao bằng mặt cầu. Cách thứ hai là hạ thấp dần độ cao của cầu ở phía hai bên bờ. Nếu mặt cầu quá cao so với mặt đường người ta ta kéo dài hai chân cầu nhằm giảm độ dốc của cầu, giúp xe cộ qua cầu thuận tiện hơn. Trường hợp độ cao của mặt cầu chênh lệch quá lớn so với mặt đường, thì độ dài hai đầu cầu thậm chí còn dài hơn của độ dài đoạn cầu chính bắc trên sông!

Mặt cầu của các cây cầu thấp thường chỉ cao hơn một chút so với mặt đường hai bên bờ, nên không cần xây dựng chân cầu quá dài. Để tàu thuyền đi lại trên sông thuận tiện, người ta đã thiết kế nhịp cầu giữa thành nhịp cầu có thể nâng lên hạ xuống. Khi có tàu thuyền lớn đi qua, nhịp cầu này sẽ được nhấc lên cao hay chuyển động tách ra; xe cộ hai bên bờ tạm ngừng lưu thông trên cầu, sau khi tàu thuyền đi qua, nhịp cầu được hạ trở lại vị trí cũ và xe cộ lại tiếp tục lưu thông. Như vậy, vừa giải quyết được nhu cầu đi lại của các phương tiện giao thông trên cầu, vừa đảm bảo cho các tàu thuyền trên sông có thể lưu thông thuận tiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ