Trong số những sản phẩm dệt may rất đa dạng, có rất nhiều loại được làm sợi tổng hợp và sợi pha ni lông. Sợi tổng hợp có rất nhiều ưu điểm như: rất bền, khó phai màu, ít thấm nước, có thể co giãn và dễ cắt may. Nhưng có một số sản phẩm dệt may làm từ sợi tổng hợp trong quá trình sử dụng rất dễ bị sờn lông. Tại sao?
Nguyên nhân xuất phát từ việc chế biến sợi tổng hợp. Sợi tổng hợp được chế tạo bằng cách thổi những hoá chất thành sợi tơ nhân tạo. Những loại sợi này rất tròn và trơn; bề mặt tấm vải cũng rất phẳng và trơn. Khi những sợi tổng hợp này được dệt thành vải thì lực liên kết giữa các sợi tổng hợp trong mảnh vải rất yếu. Những loại vải được dệt từ loại sợi này do quá trình sử dụng bị vò giặt, va chạm nhiều lần; các sợi vải thường xuyên bị gấp vào kéo ra vì thế đã có sự chuyển dịch tương đối giữa các sợi vải.
Kết quả là đầu các sợi vải đã bị lộ ra ngoài bề mặt tấm vải làm cho tấm vải bị sờn lông. Những đầu sợi tổng hợp này sau khi lộ ra ngoài bề mặt tấm vải vẫn bám chắc vào tấm vải, vì thế chúng không bị rời ra. Dưới tác dụng của lực ma sát, những đầu sợi tổng hợp ở gần nhau đã liên kết lại với nhau tạo thành những cục bông nhỏ và mềm bên ngoài mảnh vải.
Đồng thời, sợi hoá học chịu tác dụng của lực ma sát sẽ phát sinh hiện tượng tĩnh điện. Dưới tác dụng của lực tĩnh điện, các hạt bông nhỏ sẽ hút dính những hạt bụi bẩn trong không khí và những chất bẩn có trong sợi vải. Vì thế cục bông ngày càng trở lên to dần; bẩn hơn và bám chặt vào mảnh vải; tạo thành những cục bông không thể dứt ra khỏi mảnh vải. Trong các sợi pha li lông, lực liên kết giữa các sợi hoá học và sợi thiên nhiên cũng tương đối yếu. Vì thế các loại vải được dệt bằng sợi pha ni lông cũng hay bị sờn lông.
Để tránh hiện tượng trên, trong quá trình sản xuất các loại sợi trên người ta đã áp dụng những giải pháp công nghệ tương ứng. Ví dụ như phương pháp ngâm trong keo hồ hay xử lý nhiệt nhằm tăng cường lực liên kết giữa các sợi vải, đỡ bị sờn lông hơn.