02. Giải Mã Cơ Chế Bay Của Thằn Lằn Cổ Đại

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Thông minh hơn cả chim hiện đại, loài bò sát cổ này không chỉ thực hiện những chuyến du ngoạn trên không hoàn hảo nhờ đôi cánh có màng như cánh dơi, chúng còn thực hiện các biện pháp kiểm soát cơ thể mà chim ngày nay không có.

Sankar Chatterjee – nhà khảo cổ học đồng thời là một kỹ sư hàng không ở Đại học Công nghệ Texas (Mỹ) – đã kết hợp các kiến thức cơ bản của mình để làm sáng tỏ khả năng kỳ diệu của thằn lằn bay, những sinh vật có kích cỡ thay đổi từ một con chim két tới một phi cơ phản lực.

Chatterjee đã nghiên cứu 10 nhóm thằn lằn bay được bảo quản trong các tầng hóa thạch ở Brazil, áp dụng những mô hình khí động học thường được dùng để nghiên cứu máy bay và trực thăng.

“Điều kỳ diệu là chúng bay có thể được với những chiếc cánh cực dài và cực mỏng như vậy”. Chatterjee nói.

Nhà nghiên cứu này đã phát hiện một điều đặc biệt chỉ có ở thằn lằn bay mà không có ở chim hiện đại: Ngón chân thứ tư cực dài của nó nâng đỡ và điều khiển phần ngoài của cánh, trong khi ba ngón nhỏ hơn nằm tự do bên trong tại chỗ gấp khúc phía trước cánh. Những ngón tự do này cho phép chúng vồ mồi và thậm chí đi trên mặt đất trong nhiều giờ.

Hơn nữa, những con thằn lằn bay lớn nhất dường như còn cứng hóa đôi cánh của mình, giống như những tấm ván buồm. Dạng “tấm ván” này tạo cho đôi cánh mỏng có sức mạnh khi xòe rộng, nhưng vẫn có thể gập lại lúc hạ xuống mặt đất.

Các nhà nghiên cứu cũng khám phá ra rằng: Thằn lằn bay có hai loại cánh. Một loại được tìm thấy trên nhóm “rhamphorhynchoids”, có đôi cánh mỏng như của dơi, với màng da gắn vào mắt cá chân. Từ cấu tạo này, thằn lằn bay đã tiến hóa lên dạng cánh “pterodactyloids” tiến bộ hơn, thuôn, hẹp hơn và gắn gần với khuỷu cánh (chỗ gấp khúc).

“Những kiểu hình như vậy cũng đa dạng như chim hiện đại”, Chatterjee nhận xét. Chim hiện đại sử dụng một loạt kỹ thuật bay, từ cách lượn – tiết kiệm năng lượng như ở chim hải âu lớn, đến đập cánh nhanh và chao mình giống với loài chim ruồi. “Trong một số trường hợp, thằn lằn bay còn điêu luyện hơn cả chim”.

Phát hiện này đã xóa nhòa những ý kiến trước kia cho rằng: Các sinh vật có vẻ ngoài giống rồng chỉ là những con thằn lằn biết nhảy cóc và biết lượn trên không.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ