12. Sự Thật Về Hiện Tượng Người Tự Bốc Hoả

Một vị khách đến gõ cửa nhà bà Reeser, người phụ nữ luống tuổi về hưu sống tại bang Florida, Mỹ. Mãi không thấy ai ra, bà gọi người đến phá cửa. Trong nhà, trên chiếc ghế bành, chủ nhà đã cháy thành than, chỉ còn lại một bàn chân đi giày vải, xung quanh đồ đạc hầu như vẫn nguyên vẹn…

Sự việc xảy ra vào năm 1951. Bà Reeser chỉ là một trong nhiều trường hợp được lịch sử ghi nhận là nạn nhân của cái chết rất lạ: tự bốc hoả thành than. Vào năm 1660, dư luận Paris từng xôn xao với vụ cháy “tự nhiên” của một phụ nữ nghiện rượu nặng, chỉ còn lại vài đốt ngón tay và chiếc sọ.

Điều kỳ lạ là trong mọi vụ cháy, các nạn nhân đều để lại các dấu hiệu giống nhau: thân thể hoá than nhưng bao giờ cũng sót lại một bộ phận không cháy trụi, thường đó là cẳng chân hay bàn chân và còn nguyên vẹn đến lạ kỳ.

Người ta không hiểu lửa từ đâu ra, vì xung quanh nạn nhân, thường được tìm thấy trong tư thế ngồi trên ghế, lửa hầu như không gây hư hại. Chính vì vậy, các nhà quan sát thời đó không chút nghi ngờ, một mực cho rằng lửa nhất thiết phải khởi phát từ phủ tạng của nạn nhân với một lý do… không rõ và bất ngờ. Vì thế, tên gọi mà bấy lâu người ta vẫn gán cho hiện tượng bí ẩn trên là “Vụ cháy người tự phát”.

* Ngọn đuốc cồn?

Một giả thuyết không khỏi khiến người ta nghĩ đến ngay, do nó được suy ra một cách tự nhiên từ thói quen của các nạn nhân là họ đều nghiện rượu nặng và kinh niên. Nếu họ bốc cháy thì lý do có lẽ cũng rất đơn giản: do họ uống quá nhiều chất men, khiến chúng thấm vào cả cơ thể và chỉ cần một tia lửa là đủ làm họ bốc cháy.

Lập luận nghe có vẻ xuôi tai, nhưng kỳ thực quá vội vã hấp tấp. Bác sĩ Mercier Guyon giải thích: “Cứ lấy thử tỷ suất là trong mỗi lít máu nạn nhân có đến 9g rượu, tương đương một lượng rượu có thể gây tử vong nếu nó được uống cạn một hơi. Một lít máu cân nặng chừng 1000g, vậy tỷ lệ rượu ở đây là 0,9%; dí lửa vào một chất lỏng có độ còn yếu đến vậy cũng chẳng khác gì thử đốt cháy nước giải khát soda! ”

Và ngay cả khi toàn cơ thể người nghiện rượu có thấm chất men đến đâu đi nữa, nó cũng không thể tự bốc cháy. Từ năm 1850, nhà hoá học Đức Justus von Liebig đã chứng minh rằng không thể nào đốt cháy ra tro các mô của con người tẩm rượu pha loãng chỉ với một ngọn lửa đơn thuần.

* Bốc lửa vì stress?

Lại có một giả thuyết được đưa ra như sau: con người nhiều khi có thể đóng vai trò của những ắc- quy điện và thu sét. Những người có trí tưởng tượng hơn cả còn nói đến một dạng “tự sát tâm thần”: cơ thể bốc lửa dưới tác động của stress cao độ! Kỳ thực vấn đề không dễ dàng giải quyết như vậy.

Chẳng hạn Thomas Krompecher, bác sĩ pháp y ở Đại học Lausanne (Thuỵ Sĩ) đã phải trăn trở: “Cơ thể con người được tạo bởi gần 70% là nước. Điều đó khiến việc đốt cháy là cực kỳ khó khăn! “. Quả vậy, để đốt cháy một xác người cần một nhiệt độ rất lớn. Trong một lò đốt xác, để thiêu xác người thành tro phải đạt nhiệt độ 9500C, trong một tiếng rưỡi. Còn muốn đạt kết quả đó ở bên trong ngôi nhà, phải dùng nhiên liệu như xăng. Và kết quả sẽ ra sao? Một ngọn lửa mạnh như vậy sẽ lan toả khắp ngôi nhà. Mà điều này lại không khớp với chuyện kể về các nạn nhân của chứng bốc hoả đáng sợ: các xác chết cháy thành than một phần, nhưng ngọn lửa rất ít xâm hại đối với đồ vật xung quanh.

* Lời giải

Cuối cùng, các nhà khoa học cũng đưa ra được một đáp án hợp lý hơn cả. Đó là hiện tượng “hiệu ứng đèn cầy”, không có chút gì là siêu nhiên. Theo giả thuyết này, ngọn lửa được truyền lan sang thân thể của nạn nhân qua một nguồn bên ngoài, cứ thế thiêu cháy dần dần thân thể người đó như một ngọn sáp cháy vậy.

Đại thể, kịch bản như nhau: Bị một sự cố về tim hay ngã, một người tắt thở. Lửa từ một vật trung gian là thuốc lá, tẩu hay một đèn cầy, cháy lan ra áo quần, rồi cháy đến da và lớp mỡ ngay dưới da. Tiếp xúc với lửa, mỡ này tan ra nước, chảy ra bên ngoài thân thể, thấm vào các lần vải tiếp xúc với nạn nhân. Trong phần lớn các trường hợp thì đó là quần áo đang mặc trên người, đồ phủ ghế tựa nơi mà nạn nhân đang ngồi. Đồ vải thấm ướt mỡ sẽ cháy từ từ trong nhiều giờ. Sự cháy này tạo ra và duy trì một ngọn lửa cháy đượm có nhiệt độ 6000C, nó không làm hư hại được toàn gian phòng mà chỉ thiêu huỷ được xác chết.

Sự cháy chậm kéo dài có thể làm hư hại một số bộ phận của cơ thể, nhưng vẫn không làm chúng cháy thành tro và để lại một bộ phận hoàn toàn lành lặn. Mark Benecke, bác sĩ pháp y tại đại học Cologne (Đức) giải thích: lửa chỉ thiêu huỷ được các mô của cơ thể người nằm bên trên ngọn lửa. Hai bàn chân và cẳng chân thường còn nguyên vẹn là do chúng nằm phía ngọn lửa không cháy xuống.

Lửa thường bắt cháy từ hai đùi của người ngồi, hầu hết là những người già hay đứng tuổi – lớp người dễ gặp tai biến về tim khiến họ phải ngồi lỳ một chỗ – hoặc những người đang cơn say rượu thảm cảnh xảy ra. Chính rượu tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tai nạn đó. Trước hết, một ai đó khi say thì ít chú ý đến loại lửa mà họ đang cầm trong tay, hơn nữa rượu cũng góp phần làm hình thành mô béo, có nghĩa mỡ là chất đốt chính trong vụ cháy chậm này.

Rõ ràng, hiện tượng người cháy “tự nhiên” hay “tự phát” lâu nay chỉ là huyền thoại hay huyễn hoặc, được nuôi dưỡng bởi trào lưu văn học kinh dị thế kỷ XIX và đặc biệt là trong các chuyện tranh vui của Mỹ sau này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ