05. Người Hoá Sáp Mỡ Và Cái Chết Bí Ẩn

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Ngày 27/9, tại bảo tàng Mutter, Philadelphia, Mỹ, người ta đã tiến hành chụp cắt lớp một thi thể kỳ lạ: xác ướp của một phụ nữ mập mạp đã biến đổi gần như hoàn toàn thành chất sáp mỡ. Người đàn bà này là ai? Bà ta mất vào thế kỷ XVII, XVIII hay XIX? Vì sao thân thể bà ta lại có thể hoá sáp?… Các nhà khoa học hy vọng sớm có câu trả lời từ thiết bị quét mới, máy scan CT.

Thi hài người phụ nữ này, với biệt danh “Soap Lady”, đã nằm trong tủ kính của bảo tàng Mutter hơn một thế kỷ. Thời gian qua bà luôn là mẫu thực nghiệm lý tưởng cho các sinh viên y khoa và bây giờ xác bà đang hấp dẫn du khách như một trường hợp lý thú trong y học.

Bằng máy chụp CT, các nhà khoa học đã quan sát thấy một số mô nội tạng. Họ hy vọng sẽ trả lời được nghi vấn lâu nay: Bà ấy chết như thế nào? Gerald Conlogue, Giáo sư Đại học Quinnipac và các cộng sự đang tìm kiếm một miếng vỏ quan tài được làm từ thứ chất xà phòng này bị rơi ra ngoài môi trường. Từ đó, họ sẽ hiểu rõ hơn về sự xà phòng hoá – hiện tượng chuyển hoá chất béo thành chất sáp mỡ. Trong tự nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp vì quá trình xà phòng hoá phụ thuộc vào nhiều nhân tố, như độ ẩm, nhiệt độ, quần áo và hoạt động của vi khuẩn. Người càng béo, khả năng bị xà phòng hoá càng lớn.

* Đi tìm tung tích Soap Lady

Lần thí nghiệm chụp cắt lớp là lần đầu tiên Soap Lady được đưa khỏi bàn trưng bày, kể từ năm 1874. Một nhà giải phẫu nổi tiếng của Đại học Pennsylvania, Joseph Leidy, đã tặng thi hài này cho bảo tàng. Leidy khẳng định Soap Lady mất vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Theo mẩu chú thích gắn kèm với giá trưng bày, “Người đàn bà này, có tên Ellenbogen, đã mất năm 1792 tại Philadenlphia vì bệnh sốt vàng và được chôn gần đường Fourth và Race”.

Nhưng, lời giải thích của Leidy chỉ đứng vững tới năm 1942, khi Tiến sĩ Joseph McFarland, người quản lý bảo tàng đã xác định Soap Lady mất vào thế kỷ XVIII và tên của bà đã bị quá khứ lãng quên. Theo ông, không có ai qua đời vì bệnh sốt vàng ở Philadenphia vào năm 1792. Chỉ có một trường hợp xảy ra vào 1793, nhưng tên không phải là “Ellenbogen”. Hơn thế, chưa hề có một nghĩa địa gần đường Fourth và Race.

Năm 1987, người ta đã chụp tia X trên xác ướp này và phát hiện thấy có 2 cái ghim thẳng và 2 chiếc khuy 4 lỗ được sản xuất vào thế kỷ XIX. Một quan chức bảo tàng nói: “Đến đây, tung tích của người đàn bà này lại càng mờ mịt hơn”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ