19. Đằng Sau Tai Họa Bí Ẩn Ở Siberia

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Điều gì đã tàn phá ghê gớm một vùng xa xôi của Siberia? Câu hỏi này làm đau đầu các nhà thiên văn trong gần một thế kỷ qua. Các nhân chứng kể lại rằng mờ sáng ngày 30/6/1908, họ đã thấy một vụ nổ khủng khiếp và một cột lửa bừng lên. Hàng ngàn km2 rừng bị thiêu trụi và san phẳng…

Từ lâu, các nhà khoa học vẫn tin rằng một ngôi sao chổi hay thiên thạch nào đó làm thủ phạm của thảm họa này. Nhưng người ta không phát hiện ra một miệng hố nào, cũng như không thấy bất kỳ mảnh vụn nào thuộc về một vật thể ngoài trái đất.

Hiện nay, một nhóm các nhà nghiên cứu Italia tin rằng có thể họ đã có câu trả lời chính xác. Sau khi kết hợp thông tin từ các nhân chứng chưa hề được biết trước đây, với các dữ liệu địa chấn, cộng với một cuộc khảo sát mới về vùng bị ảnh hưởng, các nhà khoa học nhận định rằng: Kẻ chủ mưu là một thiên thạch có tỷ trọng nhỏ. Thậm chí họ còn biết vật thể này từ đâu tới trong vũ trụ xa xăm.

* “Thủ phạm” đã phân rã hoàn toàn

“Chúng tôi có một bức tranh hoàn chỉnh về những gì đã xảy ra”, Tiến sĩ Luigi Foschini, một trong những người lãnh đạo của nhóm thám hiểm cho biết. Vụ nổ này, tương đương với sức công phá của 1- 15 triệu tấn TNT, xảy ra trên các cánh rừng Siberia, gần khu vực Tunguska.

Chỉ có vài người thợ săn và những người bẫy thú sống trong vùng dân cư thưa thớt đó, vì thế, chắc chắn không có ai bị thiệt mạng. Nếu vụ đụng độ này xảy ra ở một thủ đô của Châu Âu, thì hàng trăm ngàn người có thể đã thành nạn nhân của nó.

Ngay sau tiếng nổ, đám cháy bùng lên làm đổ hàng ngàn cây cối trong khu vực bị ảnh hưởng. Một cơn sóng chấn cực mạnh trong bầu khí quyển đã lan đi hai vòng quanh trái đất và suốt hai ngày sau đó, tro bụi mịn trong không trung nhiều đến nỗi người ta có thể đọc báo vào ban đêm nhờ ánh sáng khuyếch tán trên các đường phố của Luân đôn, cách đó 10.000 km.

Các nhà khoa học phỏng đoán rằng vật thể này lao đến Tunguska từ phía Đông Nam, với vận tốc gần 11 km/s. Căn cứ vào số liệu này cùng dấu vết tại hiện trường, các nhà khoa học đưa ra danh sách “nghi can”, gồm 886 vật thể rắn đang bay trên quỹ đạo quanh trái đất. Trong số đó, hơn 80% là thiên thạch. Nhưng tại sao chúng lại phân rã hoàn toàn?

Rất có thể vật này được cấu tạo tương tự thiên thạch Mathilde được tàu Near- Shoemaker chụp năm 1997. Mathilde là một đống đất đá vụn với tỷ trọng gần bằng tỷ trọng nước. Điều này có nghĩa là nó có thể bùng nổ và tan thành nhiều mảnh trong khí quyển, mà chỉ tạo ra một sóng chấn động là lan tới được mặt đất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ