04. Làm Sáng Tỏ Bí Mật Nửa Thế Kỷ Của Mặt Trăng

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Sáng ngày 15/11/1953, nhà thiên văn nghiệp dư Leon Stuart ở Oklahoma (Mỹ) đã chụp được một hình ảnh ngoạn mục: Một khối đá biến thành quả cầu lửa khổng lồ, bắn tung lên từ bề mặt của mặt trăng. Nếu điều này được xác nhận, thì Stuart sẽ là người đầu tiên trong lịch sử chứng kiến và ghi lại được tác động của một thiên thể tới chị Hằng.

Các nhà thiên văn gọi hiện tượng đó là “Stuart’s Event”. Gần nửa thế kỷ qua, nhiều tàu thăm dò và 6 con tàu có người lái đã lần lượt hạ cánh trên vệ tinh của trái đất, nhưng vẫn không tìn ra dấu vết của vụ va chạm này ở mặt trăng. Những người theo chủ nghĩa hoài nghi phủ nhận dữ liệu của Stuart và khẳng định rằng vật sáng kỳ lạ mà ông nhìn thấy chỉ là một thiên thạch, bị bốc cháy khi bay vào bầu khí quyển của trái đất.

Tuy nhiên, giờ đây, hai nhà khoa học Mỹ đã chứng minh điều giả định của Stuart là hoàn toàn đúng: Họ tìm thấy dấu vết của vụ va chạm mà Stuart đã nhìn thấy – một miệng hố “mới tinh” trên bề mặt của mặt trăng. “Căn cứ vào chớp sáng kỳ lạ trên bức ảnh của Stuart, chúng tôi phỏng đoán rằng vật thể va vào mặt trăng có đường kính khoảng 20 m và tạo ra một cái hố rộng khoảng 2 km.

Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm được chiếc hố này”, tiến sĩ Bonnie Buratti, phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở California, và Lane Johnson, Đại học Pomona, đã cho biết. Hai nhà nghiên cứu nói rằng: Do sự kiện diễn ra chưa lâu, nên chiếc hố có thể còn nguyên vẹn, nếu không bị xói mòn hay phong hóa.

Họ sử dụng hai chỉ thị trên để chứng tỏ một miệng hố trên bề mặt (chứng tỏ đất ở đó chưa phải trải qua quá trình phong hóa, vốn làm cho đất có màu đỏ) và dấu hiệu thứ hai là các hố mới bao giờ cũng phản xạ ánh sáng nhiều hơn những vùng xung quanh.

Buratti và Lane đã tìm kiếm trên một vùng rộng 35 km, nơi được xem là diễn ra vụ va chạm. Đầu tiên, họ lọc nhiễu trên các bức ảnh do tàu Lunar Orbiter gửi về từ năm 1967, nhưng trên đó không một miệng hố nào có vẻ phù hợp. Sau đó, họ tìm tới những bức ảnh rõ nét hơn, do tàu không gian Clementine chụp được năm 1994. Ở đây, Buratti và Lane đã có được điều mà họ muốn: Một miệng hố rộng 1,5 km với lớp bụi xanh sáng ở xung quanh và nằm ở vị trí chính giữa trong bức ảnh của Stuart.

Từ những thông tin quan trọng này, hai nhà nghiên cứu đã tính được năng lượng giải phóng trong vụ va chạm là khoảng 5 mega tấn (gấp 35 lần sức công phá của quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima) và phỏng đoán rằng cứ sau nửa thế kỷ, lại có một vụ va chạm như vậy xảy ra trên mặt trăng. “Chúng tôi từng được dạy rằng mặt trăng là mảnh đất chết, nhưng phát hiện này đã phủ nhận điều đó. Giờ đây, chúng tôi thực sự có thể nhìn thấy những thay đổi trên mặt trăng”, Buratti nói. Nghiên cứu của hai nhà khoa học được công bố trên số mới nhất của tạp chí vũ trụ học Icarus.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ