42. Những Bí Ẩn Xung Quanh Hiện Tượng Đa Phu

Quan sát thế giới loài vật, ông tổ của thuyết tiến hóa – Darwin cho rằng con cái thường nhút nhát, ít thích giao phối hơn con đực và chỉ chọn một con đực nào nổi bật nhất. Từ học thuyết này, Darwin đã suy ra phụ nữ cũng có thái độ ứng xử như vậy. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu gần đây lại nhìn nhận khác.

Trên tạp chí khoa học Proceeding of Royal Society số gần đây, nhà tâm lý học – sinh vật học Steven Gangestad, Đại học New Mexico (Mỹ), đã giới thiệu một công trình nghiên cứu bằng phương pháp vấn đáp và xét nghiệm hormone đối với 51 phụ nữ. Ông rút ra kết luận: Trong chu kỳ rụng trứng, phụ nữ có khuynh hướng bị những người đàn ông khác thu hút hơn chồng mình và đôi lúc sẵn sàng ngoại tình.

Tuy số phụ nữ được Steven Gangestad khảo sát còn chưa lớn, nhưng kết luận này lại được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận, vì nó phù hợp với nhiều phỏng đoán lâu nay. Cách đây 3 năm, giáo sư sinh vật học nổi tiếng Jared Diamond, Đại học Y khoa Los Angeles (Mỹ), đã từng đưa ra một nhận định tương tự.

Một cuộc khảo sát khác đã được các nhà xã hội học Mỹ thực hiện trong các vũ trường cho thấy: Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ thường thích ăn mặc hở hang hơn bình thường. Một nghiên cứu tiếp theo về phụ nữ thuộc bộ tộc du mục Bushman sống ở sa mạc Kalahari tại miền Nam Châu Phi kết luận: Trong thời kỳ rụng trứng, bản năng tình dục của phụ nữ gia tăng, vì vậy họ sẵn lòng quan hệ tình dục thoải mái với chồng cũng như nhiều người đàn ông khác. Trước đó, một công trình nghiên cứu ở Anh chứng minh rằng, phụ nữ đồng tính vẫn cảm thấy “sung” hơn trong thời kỳ rụng trứng.

Hàng ngàn năm nay, nam giới thường dùng mọi biện pháp để kiểm soát khả năng sinh sản và bản năng tình dục của phụ nữ. Dù vậy, xu hướng ngoại tình theo chu kỳ kinh nguyệt vẫn tồn tại vì xét về di truyền học, xu hướng này là di sản còn sót lại của lịch sử tiến hóa. Đến giữa thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu di truyền học vẫn tiếp tục củng cố học thuyết của Darwin. Qua nghiên cứu trên ruồi giấm, các nhà khoa học kết luận: Con đực cải thiện giống nòi bằng cách giao phối với con cái càng nhiều càng tốt. Trong khi đó, con cái không bao giờ hành động “buông thả” như vậy.

Nhà sinh học Angus John Bateman dùng phương pháp loại suy từ loài vật sang loài người và kết luận: Con đực càng “háo sắc” bao nhiêu thì con cái càng thụ động bấy nhiêu. Theo Bateman, con đực rất dễ sản xuất tinh dịch nên càng phung phí tinh dịch bao nhiêu càng có nhiều con cháu bấy nhiêu, trong khi con cái sản xuất ít trứng hơn, do đó rất chăm chút tìm kiếm con đực thích hợp mới cho trứng.

Tuy nhiên hiện nay, luận thuyết của Bateman đang bị nhiều nhà nghiên cứu về sinh vật học ứng xử phản bác. Thậm chí họ còn yêu cầu xem xét lại học thuyết chọn lọc giới tính của Darwin. Nhà nhân chủng học và linh trưởng học Sarah Balaffree Hrde thuộc Đại học California- Davies (Mỹ) đã nhận xét: Trong thời kỳ có thể thụ thai, khỉ đầu chó cái chỉ chờ khỉ đực đầu đàn đi chỗ khác là nó sẽ giao phối ngay với con đực “trẻ trung” khác.

Trong thập niên 1980, Hrde là một trong những người đầu tiên bác bỏ hình mẫu con cái con cái luôn thụ động trong quan hệ giới tính của Darwin qua nhiều bằng chứng: Khỉ Langur cái háo hức đi bắt cặp với nhiều khỉ đực, hoặc khỉ cái dù mang thai vẫn tranh nhau giao phối với con đực vừa tranh giành được vị trí đầu đàn. Theo bà, khỉ cái làm thế để che giấu gốc tích cha ruột của khỉ con, vì nạn sát hại con rất phổ biến trong thế giới loài khỉ.

* Những bí mật xung quanh hiện tượng đa phu…

Vào thời bấy giờ, cộng đồng khoa học rất hoài nghi luận điểm của Sarah Balaffer Hrde, khi bà bác bỏ quan niệm con cái luôn thụ động trong quan hệ giới tính. Nhưng sau đó, nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra kết luận rằng, con cái có “máu đa tình” không khác gì con đực đa thê.

Lâu nay, các nhà khoa học cứ nghĩ chỉ có con đực mới đánh nhau vì “bạn gái”. Nhưng Jakob Bro- Jorgensen, Hội Động vật học London (Anh), đã quan sát thấy trong quần thể linh dương Tây Phi, con đực thường tập trung vào một khu vực trong mùa giao phối và chờ các con cái đánh nhau chí tử giành lấy con đực nổi trội nhất.

Đối với một số loài vật, khả năng duy trì nòi giống phụ thuộc trực tiếp vào khả năng tìm kiếm nhiều bạn tình của con cái. Ở loài khỉ, con cái càng tìm kiếm nhiều bạn tình, thì thế hệ con của nó càng được “bảo hiểm” tốt hơn. Ngoài ra, do chúng sống theo chế độ “tỳ thiếp” của khỉ đực, nên ngoại tình sẽ giúp chúng tránh khỏi hiện tượng đồng huyết.

John Hoogland ở Đại học Maryland (Mỹ) đã chứng minh rằng: Chó cái giống Cymomys gunnisonni sẵn sàng giao phối với nhiều con đực. Ngoài mục đích sinh sản nhiều, chúng còn muốn con sinh ra có sức khỏe tốt hơn so với con của những con cái chỉ giao phối với một con đực duy nhất.

Một nghiên cứu mới đây của Đại học Leeds (Anh) trên loài dế Gryllus bimaculatus cũng cho thấy, chất lượng tinh trùng quyết định đến sức khỏe của đời con: Người ta đã cho nhóm dế cái thứ nhất giao phối với một con đực anh em và nhóm thứ hai giao phối một con đực khác không cùng dòng họ. Kết quả là: Nhóm thứ hai sinh con mạnh khỏe hơn. Các công trình nghiên cứu trên thằn lằn sa mạc Lacerta agilis và rắn vipere mõm tròn cũng cho kết luận tương tự.

Sở dĩ con cái ngoại tình vì chúng có cơ hội tìm được một con đực tương thích với chúng về mặt di truyền, Jeanne và David Zed, thuộc Đại học Nevada (Mỹ), đã suy đoán. Để khẳng định giả thuyết này, họ cho nhện bọ cạp giống Cordylochernes scorpioides giao phối hai lần với một con đực hoặc một lần với hai con đực khác nhau. Theo cách này, mọi con cái đều nhận được một lượng tinh dịch như nhau, nhưng con cái nào giao phối với nhiều con đực hơn sẽ có tỷ lệ nhện con sống sót đến giai đoạn trưởng thành cao hơn.

Đương nhiên, các kết quả nghiên cứu trên loài vật không thể được sử dụng để suy ra cho loài người. Nhưng một nghiên cứu gần đây cũng ghi nhận rằng: Phụ nữ có khả năng ngửi mùi và biết được người đàn ông nào có hệ miễn dịch thích hợp với mình.

Trong tác phẩm “Lý thuyết và thực tế của vai trò người cha tại Nam Mỹ”, hai nhà nhân chủng học Steve Beckerman ở Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và Paul Valentine ở Đại học London (Anh) đã đúc kết 20 năm nghiên cứu của họ bằng hình ảnh sau: “Một đứa bé chào đời. Người mẹ công khai nêu tên một hoặc nhiều người đàn ông mà bà đã quan hệ tình dục. Nếu người đàn ông nào chịu trách nhiệm làm cha, dân làng sẽ đồng ý cho người ấy chăm sóc bà mẹ và đứa bé đó”.

Theo công trình nghiên cứu này, trong một số bộ tộc Nam Mỹ, người mẹ muốn bảo vệ con cái khỏi đói kém hoặc mồ côi đã hợp thức hóa vai trò của người tình như người cha thứ hai trong gia đình. Họ tự do làm điều ấy vì theo một truyền thuyết rất phổ biến ở khu vực Mỹ Latinh: Bào thai do tinh trùng của nhiều người đàn ông tạo thành. Trẻ em thuộc các bộ tộc Bari ở Venezuela hoặc Ache ở Paraguay được nhiều người cha cùng chăm sóc nên tỷ lệ sống sót cao hơn những đứa trẻ sống với một người cha duy nhất.

Theo kết quả khảo sát của nhà nhân chủng học Kim Hill, 63% trẻ em thuộc bộ tộc Ache đều có một hoặc hai người cha phụ. Còn trong bộ tộc Bari, Steve Beckeman đã ghi nhận 80% trong số 194 trẻ được nghiên cứu có nhiều cha phụ, sẽ sống tối thiểu 15 tuổi, trong khi chỉ có 64% trong 628 trẻ có một người cha duy nhất sống đến lứa tuổi này.

Tùy theo vị trí của người phụ nữ trong bộ tộc, họ có quyền lựa chọn thêm người cha cho con cái. Trong bộ tộc Currioaco ở Colombia, nam giới giữ cương vị chủ gia đình. Con cái ra đời mà không chắc chắn mang dòng máu của người cha trong nhà sẽ bị ngược đãi và thường chết sớm.

Ngược lại, trong bộ tộc Canela, dân chúng lại nghĩ rằng: Làm cho phụ nữ mang thai là nhiệm vụ hết sức quan trọng và khó khăn mà một người đàn ông duy nhất khó đảm đương nổi. Tập tục phải có nhiều người đàn ông giúp một người phụ nữ mang thai cũng phổ biến ở Châu Phi. Đối với người phụ nữ khó khăn, một người cha không thể nuôi nổi gia đình, hai người cha sẽ là điều kiện đảm bảo hơn và ba người cha gần như chắc chắn sẽ mang lại cuộc sống ấm no cho con họ.

Mô hình gia đình đa phụ như vậy không chỉ tồn tại trong các bộ tộc lạc hậu, mà còn phổ biến ở những tầng lớp nghèo khó trong xã hội văn minh và nó đã xuất hiện từ thời xa xưa. Một số bà mẹ ở vùng đô thị Châu Phi, các khu phố nghèo ở Nam Mỹ hoặc Bắc Mỹ sẵn sàng quan hệ tình dục với nhiều người để đảm bảo cuộc sống sung túc hơn.

Nhà di truyền học Bryan Sykes ở Đại học Oxford đã sử dụng phương pháp phân tích di truyền và phát hiện 50% thành viên trong dòng họ của ông không mang gene đặc thù của dòng họ. Trong vòng 700 năm qua, cứ mỗi thế hệ lại có 1,3% trẻ em chào đời trong dòng họ Sykes là con ngoại hôn. Một báo cáo của Hiệp hội ngân hàng máu ở Mỹ ghi nhận, trong năm 1999, đã có 25.000 ca xét nghiệm AND tìm quan hệ cha con được thực hiện ở Mỹ. Trong số này có 28% trường hợp không phải là cha ruột. Ở Thụy Điển, tỷ lệ ngoại hôn dao động từ 1 – 10%. Ở Anh, tỷ lệ này là 5,9%.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ