19. Alexander Đại Đế Có Thực Sự Vĩ Đại?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Nghệ thuật quân sự đã giúp vị hoàng đế trẻ Alexander lật đổ đế chế Ba Tư và xây dựng nên đế chế Hy Lạp khi ông chưa đầy 20 tuổi, nhưng không phải những cuộc chiến tranh xâm lược này đã mở đường cho sự bành trướng của nền văn hoá Hy Lạp ở khu vực Trung Đông.

Các tài liệu khảo cổ trước đây cho thấy, vào thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, vị hoàng đế trẻ Alexander vĩ đại đã làm chấn động vùng đất Trung Đông với cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại. Hầu hết các tài liệu khẳng định, cuộc chiến này đã mở đường cho bành trướng nhanh chóng của nền văn hoá Hy Lạp trên vùng đất bị chiếm đóng. Và đây là một trong những lý do chính để người ta tôn Alexander là đại đế.

Nhưng theo một số nghiên cứu mới của Andrew F. Steward (Mỹ) và các cộng sự, thành công của vị hoàng đế Macedonia này có thể không vĩ đại như cái tên của ông. Có những bằng chứng khá rõ ràng về việc nền văn hoá vật thể của Hy Lạp vươn tầm ảnh hưởng đến bờ biển của Israel ít nhất là một thế kỷ trước cuộc chiến của Alexander.

Theo Steward, kết quả nghiên cứu này đã mở ra những nghi vấn đối với các giả thuyết cho rằng tiến trình Hy lạp hoá, hay quá trình xâm lược của văn hoá Hy lạp, diễn ra mạnh mẽ nhờ những chiến thắng của Alexander. “Bằng chứng cho thấy nền văn hoá Hy Lạp đã không bành trướng, ít nhất là ở khu vực này dưới thời Alexander. Nếu có, đó chỉ là một vài công trình quân sự, như các thành luỹ”, Steward cho biết.

Trong suốt hai thập kỷ, Steward đã khai quật ở vùng đất cát xưa kia từng là một thành phố cổ thịnh vượng của người Phoenicia bên bờ đông Địa Trung Hải – thành Dor, mà nay chính là lãnh thổ Israel. Khu vực rất ít bị động chạm đến trong suốt hơn hai thiên niên kỷ qua.

Có vẻ như rất logic khi kết luận rằng các chiến thắng về quân sự ở Iran. Afghanistan, Israel hay một số điểm nóng khác dẫn tới sự bành trướng của nền văn hoá và các giá trị của đội quân xâm lược. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã không thấy có bằng chứng về một thành phố mới (điều chứng tỏ sự bành trướng về văn hoá sau một cuộc chiến tranh cổ đại) phát triển trên những phế tích của Dor như ở nhiều nơi khác.

Steward và các cộng sự phát hiện ra hơn 100.000 cổ vật ở địa điểm này, chủ yếu là đồ gốm. Chúng đã kể một câu chuyện bằng tranh về những thay đổi từ nền văn hoá vật thể Hy lạp (thiên về sản xuất) vào năm 400 trước Công nguyên, còn trước cả cuộc xâm lược của hoàng đế Alexander vào năm 336 trước Công nguyên. Các nhà khoa học cho đó là văn hoá vật thể, vì không có sự hiện diện của văn học, hay chính trị của văn hoá Hy Lạp bành trướng sang khu vực này.

Các cổ vật chỉ ra rằng, chỉ có những người sống ở đó, hay đến nơi đó định cư mới chính là những người sản xuất ra chúng và đồ gốm ở đây chính là đồ gốm Hy Lạp. Điều này cho thấy cư dân Dor là những người Hy Lạp, hoặc chí ít họ cũng muốn giống như người Hy Lạp từ rất lâu trước khi họ nghe tên Alexander. Do vậy, tiến trình Hy Lạp hoá đã không xảy ra dưới thời hoàng đế này trị vì.

Những yếu tố văn hoá vật thể Hy Lạp đã có sẵn ở những nơi này, để chào đón Alexander khi vị vua trẻ lần đầu tiên đến đó. Văn hoá Hy Lạp đã ảnh hưởng sâu sắc đến các thành phố lớn thời Alexander và rất nhiều thành phố được vị hoàng đế này đặt tên là Alexander, nhưng lịch sử của những vùng xa xôi thì vẫn chưa rõ ràng.

Dor được xây dựng trước thời đại Alexander khá lâu, nhưng các tài liệu khảo cổ vẫn chưa đầy đủ để đi đến kết luận rằng liệu thành phố có nằm ngoài tầm kiểm soát của đế chế này hay không. Có vẻ như đã diễn ra một cuộc chuyển giao văn hoá trên hầu khắp vùng Trung Đông, nhưng không ai chắc chắn về điều đó.

Dưới gót giày của quân đội viễn chinh Alexander, một bộ phận người dân Dor đã bị vỡ mộng về những giá trị Hy Lạp. Một số cổ vật chỉ ra rằng, đôi khi, những người dân địa phương đã cố để quay về với cội nguồn của họ, bài trừ cả kiểu cách lẫn chất liệu gốm sứ Hy Lạp. Có thể họ đã chán ghét Alexander Đại đế và các tướng lĩnh của ông. “Nói cho cùng, những người Macedonia là những vị chúa tể cực kỳ tàn bạo”, Steward nói.

Tuy nhiên, nền văn hoá Hy Lạp vẫn không chịu buông tha Dor. Các nhà khảo cổ đã cùng nhau ghép được một nền nhà cổ khảm, ở giữa bức khảm là một người đàn ông Hy Lạp trẻ đeo mặt nạ đang diễn hài kịch và một dải băng buộc đầu khó hiểu gồm các mảnh thuỷ tinh và gốm sặc sỡ. Các nhà khoa học tin rằng, bức khảm này đã được tạo ra ở Dor khoảng 100 năm trước Công nguyên, rất lâu sau thời kỳ của Alexander và có nhiều khả năng được tạo bởi một thợ thủ công lưu động đến từ Hy Lạp. “Tất cả đều mang đầy bản sắc Hy Lạp”, Steward nói.

Điều đó cho thấy, sự bành trướng của một nền văn hoá không hoàn toàn phụ thuộc vào chiến tranh xâm lược, mà phức tạp hơn thế nhiều. Liệu điều đó có nghĩa là lịch sử đã đánh giá quá cao về Alexander? Không hẳn vậy. Nghệ thuật quân sự của vị hoàng đế này cũng đủ để tôn vinh ông.

Khi còn nhỏ, Alexander là học trò của Aristotle. Ông lên ngôi trị vì vương quốc Macedonia khi cha ông, vua Philip II, bị ám sát vào mùa hè năm 336 trước Công nguyên. Mặc dù bị kẻ thù bao vây, nhưng ông cũng nhanh chóng nắm được quyền kiểm soát toàn Hy lạp khi chưa đầy 20 tuổi.

Các nhà sử học coi Alexander là một nhà quân sự thiên tài với khả năng chỉ huy quân đội ngay cả trong tình huống tuyệt vọng nhất. Với 35.000 lính, ông đã đánh bại những đội quân đông hơn gấp bội, mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng sức mạnh của những kẻ thù của Alexander đã được các nhà sử học đánh giá cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, dù bình luận thế nào đi chăng nữa, thì chỉ trong thời gian 3 năm, ông đã thống trị một lành thổ rộng lớn, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ai Cập, lật đổ đế chế Ba Tư. Ông bị ốm ở Babylon năm 323 và mất ở tuổi 33.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ