Các nhà khảo cổ vừa tái phát hiện một dãy đá khổng lồ, nằm trên đồi Kupgal ở miền Nam Ấn Độ, bao gồm những tảng đá với các góc lồi lõm bất thường, khi gõ vào thì tạo ra những âm thanh vang xa như tiếng cồng.
Khu vực này đã bị mất dấu sau khi được phát hiện lần đầu vào năm 1892, vì vậy đây là nỗ lực đầu tiên để nghiên cứu khu vực sau một thập kỷ.
Đồi Kupgal bao gồm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn những tảng đá khắc nghệ thuật có từ thời đồ đá muộn hoặc mới (vài nghìn năm trước Công nguyên). Các nhà nghiên cứu cho rằng người dân cổ đại đã đến khu vực này để thực hiện các nghi lễ và tận dụng năng lượng của các tảng đá. Người dân địa phương gọi những tảng đá có các vết nứt nhỏ này là “những tảng đá phát nhạc”. Khi gõ bằng những hòn đá granite nhỏ, đàn đá phát ra những âm thanh vang sâu như tiếng cồng.
Ở một số nền văn hóa, dàn nhạc gõ cũng đóng một vai trò quan trọng trong những buổi nghi lễ để liên lạc với thế giới siêu nhiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đó có thể là mục đích của những hòn đá Kupgal.
Trên các tảng đá còn khắc nhiều hình vẽ gia súc và một số hình ảnh giống con người cầm cung, tên, xích… Tác giả của những hình khắc này có thể là đàn ông rất khỏe và khéo léo, chuyên đi chăn gia súc hoặc có thể đã ăn trộm chúng.
Hiện nay, hoạt động khai thác đá đã làm hư hại một số khu vực trên ngọn đồi. Vì vậy, “Chính phủ cần phải can thiệp để bảo vệ một cách hiệu quả khu vực này nếu không muốn nó biến mất hoàn toàn trong những năm tới”, tiến sĩ Nicole Boivin tại Đại học Cambridge của Anh, đã phát biểu.