Những sinh vật duyên dáng nhất trong thế giới côn trùng dường như đã bắt đầu lịch sử cùng với nhóm bò sát khổng lồ, lùi xa hơn nhiều so với ước đoán trước kia của giới khoa học. Các mẫu hóa thạch hổ phách tuyệt mỹ của chúng vừa nói lên điều đó.
Năm miếng hổ phách được tìm thấy ở Cộng hòa Dominica thuộc vùng biển Caribbe, mỗi mảnh chứa một con bướm metalmark còn nguyên vẹn, thuộc loài Voltinia dramba đã tuyệt chủng. Trước đó, hóa thạch bướm được xem là cổ nhất có niên đại khoảng 40- 50 triệu năm. Song, 5 mẫu vật mới này đã phá kỷ lục đó: Chúng chứng tỏ bướm có thể bay lượn trên đầu lũ khủng long – loài sinh vật bị tuyệt chủng khoảng 65 triệu năm trước.
“Thật khó để tin nổi sự hoàn hảo của các mẫu vật. Chẳng khác gì bạn bắt lấy một con bướm ở hiện đại và đặt nó dưới ánh sáng hiển vi”, Robert Robbins, một thành viên của nhóm nghiên cứu tại Viện Smithsonian ở thủ đô Washington, Mỹ, tuyên bố.
Robbins và hai nhà côn trùng học Jason Hall, Donald Harvay đã tìm hiểu 5 mẫu hóa thạch này trong nhiều năm. Khi họ hàng gần nhất của chúng – bướm Voltinia danforthi còn sống và được phát hiện ở Mexico, họ đã có thể rút ra kết luận của mình về sự tiến hóa của bướm.
Ngày nay, bướm metalmark chỉ còn duy nhất một loài tồn tại trên quần đảo Caribbe, nhưng Trung và Nam Mỹ thì có hơn 1. 200 loài. Metalmark sống ở các vùng ẩm ướt và chủ yếu ở sâu trong rừng Amazon hoặc các rừng ẩn trong mây mù.
“Các công trình nghiên cứu gần đây của chúng tôi cho thấy: Hóa thạch trong hổ phách và loài đang sống ở Mexico Voltinia danforthi là chị em họ gần nhất của nhau”, Robbins giải thích.
“Voltinia danforthi và Voltinia dramba đã phân tách thành hai dòng cách đây ít nhất 15- 20 triệu năm. Nhưng vì chúng hầu như không chịu cư trú ở vùng nào khác ngoài các rừng nhiệt đới, nên chúng tôi có thể tin chắc rằng bướm hổ phách hẳn đã theo chân các hòn đảo khi các đảo này trôi dạt từ Trung Mỹ tới Caribbe”.