Các chuyên gia trên khắp đất nước Trung Quốc đã họp tại Urumqu, thủ phủ của khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, phía Tây Bắc nước này, để thảo luận về những bí ẩn của giống ngựa thuần chủng có mồ hôi đỏ như máu.
Tại hội nghị, một số học giả kết luận rằng: Màu đỏ của mồ hôi thực chất là một căn bệnh hiếm gặp, do các ký sinh trùng gây ra trên những cá thể ngựa, và không phổ biến trên bất cứ loài nào khác.
Các chuyên gia cũng cho rằng có khoảng 3.000 con ngựa mắc bệnh tương tự đang sống ở Turkmenistan, Nga, Kazakhstan và Uzbekistan. Chúng thuộc về giống ngựa Akhal- Teke, bắt đầu được thuần hóa cách đây khoảng 3.000 năm. Đây là loài ngựa thuần chủng nhất thế giới, có tốc độ phi cực nhanh và khả năng chịu đựng rất tốt.
Hội nghị này xuất phát từ sự kiện tháng 4/2001, một chuyên gia Nhật Bản thông báo đã phát hiện thấy con ngựa có “mồ hôi máu” gần núi Thiên Sơn, Tân Cương, và chụp được ảnh của nó. Thông tin này lập tức thu hút sự chú ý của những người nuôi ngựa trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc phỏng đoán đó chỉ là một con ngựa lai. Họ tin rằng giống ngựa “mồ hôi máu” thuần chủng không còn hiện diện tại Trung Quốc, mà từ lâu chúng chỉ sống trong điều kiện nuôi nhốt ở vùng Trung Á.
Nhưng đến đầu năm nay, rất nhiều cuộc điện thoại, thư từ và các bức ảnh, cùng các nhân chứng khẳng định rằng đã nhìn thấy động vật này ở Tân Cương, khiến cho luận điểm của các nhà khoa học bị lung lay. Mới đây nhất, trung tuần tháng 5, Trung Quốc đã nhận một món quà đặc biệt từ quốc gia láng giềng Turmenistan, một con ngựa thuần chủng Akhal- Teke.
Người Trung Quốc đã nhập khoảng 3.000 con ngựa thuộc loại này vào hơn 2. 100 năm trước đây, nhằm tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. Tiếp đó, năm 1952, khoảng 101 con khác cũng được nhập vào nước này từ Liên bang Xô Viết. Tuy nhiên những nỗ lực để duy trì sự sống của chúng ở Trung Quốc thì không thành công.