17. Bí Mật Của “Ảnh Gương”

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Khi thấy chính mình đang ngồi trong chiếc ghế bên, người phụ nữ 75 tuổi bất giác mỉm cười thú vị. Phiên bản thứ hai của bà ngồi im, mặc một chiếc váy quen thuộc – chiếc váy mà bà thường mặc thời 17 tuổi, nhoẻn miệng với “chủ nhân”. Hình ảnh kéo dài nhiều giây đồng hồ. Sáu giờ sau, bà được đưa vào bệnh viện vì một cơn đột quỵ trầm trọng.

Một thợ cơ khí 35 tuổi lại thấy cuộc gặp gỡ với “vị khách câm lặng” của anh chẳng hay ho chút nào. Khi phát hiện ra hình ảnh của mình, hai đầu gối anh mềm nhũn ra, chân run lẩy bẩy. Phiên bản thứ hai của anh đứng sừng sững trước mặt, ngay tại nơi làm việc, vác trên vai một hộp đựng đồ nghề và nhìn anh trừng trừng.

Người ta lập tức đưa anh vào bệnh viện ngay khi nghe anh kể về ảo ảnh đó. Khám nghiệm của bác sĩ cho thấy: anh thợ này có sức khoẻ hoàn hảo. Suốt thời gian về sau, sổ bệnh án của anh cũng chỉ có một điểm đáng chú ý như lần trước là một ngày nọ, anh lại nhìn thấy hình ảnh của chính mình.

Hiện tượng ảo ảnh về chính bản thân mình, còn gọi là ảnh gương. “Phiên bản” của các nhân chứng thường ngồi trong những góc bàn trống hoặc xuất hiện dưới dạng ảnh treo trên tường, hay nhìn trân trối vào “phiên bản thứ nhất” từ một nhóm người đông đúc trên quảng trường, hay kỳ lạ hơn là vắt vẻo trên một cột đèn đường nào đó!

Ngành tâm lý học cho đến nay đã ghi nhận chính thức 70 trường hợp gặp gỡ ảnh gương như vậy. Nhưng các chuyên gia cho rằng số lượng thật sự lớn gấp nhiều lần, bởi những ai gặp hiện tượng “nhân đôi” đó thường sợ người xung quanh cho là họ mắc bệnh điên và giấu kỹ tâm sự của mình.

* Nhận xét bước đầu của các nhà tâm lý học: Có thật

Các chuyên gia hoàn toàn không nghi ngờ sự tồn tại của hiện tượng ảnh gương kỳ lạ. Nhà tâm lý học Bernd Frank, người đã chữa bệnh suốt 17 năm cho 7 người mắc triệu chứng ảnh gương, khẳng định: “Bộ não của chúng ta thỉnh thoảng cũng có những bước nhảy bất ngờ và đột ngột mà chúng ta chưa rõ tại sao”.

Tháng 12/200, tạp chí chuyên ngành Medical Tribune cảnh báo: không nên coi chuyện ảnh gương là nhỏ, ví dụ những người nào từng nhìn thấy bản thân mình bị chết và treo lủng lẳng trên một cành cây thường rất dễ sa vào con đường tự tử.

Điều khiến mọi người kinh ngạc qua lời miêu tả của nhân chứng là họ cảm nhận về phiên bản thứ hai của chính mình rất chi tiết và sống động. Mặc dù luôn ý thức được về nét siêu thực của “vị khách”, “chủ nhà” vẫn tin rằng họ có một mối quan hệ bí hiểm với nhân vật ảo kia.

Một số người còn cảm nhận gương rõ ràng hơn chính bản thân mình. Sau này, họ thường nhớ lại rằng cơ thể họ tại những giây phút gặp gỡ kinh hãi đó thường trống rỗng, lạnh lùng như đã kiệt máu, trong khi chính nhân vật kia mới chứa đựng toàn bộ sự sống của cả hai.

* Nhận dạng “ảnh gương”

Trên thế giới, nhóm hoạt động tích cực nhất về hiện tượng “ảnh gương” là các nhà nghiên cứu Anh. Họ đã xem xét, nghiên cứu, thí nghiệm với hiện tượng kỳ bí này và đăng kết luận đó trên tạp chí Tâm lý Sức khoẻ Anh:

– Nhân vật thứ hai xuất hiện hết sức đột ngột. Chỉ trong một số trường hợp, nhân chứng trước đó có cảm giác là có người đứng cạnh hoặc sau lưng mình.

– Ảnh gương thường xuất hiện trong màu xám với những đường nét tương đối nhoà. Nhưng không ít trường hợp chúng hiện lên rất rõ ràng như những bức tường tranh màu sống động. Không nhân chứng nào có thể nhớ rằng “người kia” có bóng hay không.

– Thường thì phiên bản thứ hai câm lặng và chỉ nhìn phiên bản thứ nhất trân trối. Trong một số trường hợp, chúng chuyển động như hình ảnh soi gương của nhân chứng, hành động hoặc biểu lộ những cử chỉ tương tự như nhân chứng trong những tình huống bất ngờ, đòi hỏi phản xạ bản năng.

– Ảnh gương thường xuất hiện ngoài tầm tay với và sẽ biến mất khi nhân chứng tìm cách sờ tới hoặc đến gần chúng.

– Đại đa số ảnh gương xuất hiện lúc hoàng hôn hay lúc sớm mai. Một số trường hợp chỉ xuất hiện một hoặc hai lần trong cả cuộc đời. Một số người khác lại gặp tới 5- 6 lần trong một khoảng thời gian kéo dài.

* Bí mật của “ảnh gương”

Một nạn nhân có khối u trong khu vực tuyến yên ở não kể rằng anh đã phải chung sống với ảnh gương suốt 7 năm trời. Người sốt phát ban nhưng nhiều khi có cảm giác như một cơ thể thứ hai đang nằm cạnh mình trên giường. Những ai bị liệt nửa người thỉnh thoảng cũng kể về hiện tượng đó…

Nhà văn người Pháp Guy de Maupasant đã bị ảnh gương hành hạ suốt thời gian ông phải nằm bẹp trên giường vì bệnh giang mai.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra hiện tượng ảo này thường là các căn bệnh như tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh… đặc biệt là những cơn đột quỵ hoặc căn bệnh ung thư tại khu vực tuyến yên ở não.

Nhà tâm lý học người Mỹ Geo Krizek của bệnh viện St. Elizabeth tại Washington vừa thông báo rằng những vụ tai nạn gây ảnh hưởng trầm trọng đến bán cầu não phải cũng có thể mang lại những hình ảnh kỳ quái đó. Một trong những bệnh nhân của ông được đưa vào bệnh viện năm 15 tuổi sau một tai nạn giao thông với triệu chứng chảy máu trong bán cầu não phải. Vài năm sau, anh quay lại gặp Krizek vì đã gặp ảnh gương của anh ngay giữa phố, thậm chí đã nói chuyện với “người đó” suốt 15 phút.

Ảnh gương xuất hiện nhiều nhất ở nhóm người mắc chứng bệnh đau nửa đầu. Một nữ bệnh nhân 42 tuổi kể rằng thỉnh thoảng lại thấy một thân hình nữa của bản thân chị nằm bên cạnh. Trong lúc như vậy, chị cảm thấy rất rõ ràng: Nó ấm áp và mọi đường nét đều y hệt thân hình “thứ nhất” của chị.

Tài liệu ngành y ghi lại rằng cả những người mắc bệnh động kinh cũng thường phải chiêm ngưỡng bản thân mình kiểu ấy. Tác giả của tác phẩm Tội ác và trừng phạt, nhà văn Nga Dostoievsli đã viết một cuốn tiểu thuyết có tựa đề Bản thể thứ hai và trong những tác phẩm khác, thường các nhân vật chính của ông cũng luôn nhìn thấy ảnh gương bí hiểm: Những bóng người xám xịt, không màu, đối mặt với nạn nhân trong ánh sáng mờ ảo của hoàng hôn hoặc ban mai. Các chuyên gia phỏng đoán rằng nhà văn đã miêu tả những bức tranh xuất phát từ tâm hồn ông, thúc ép và hành hạ bản thân ông: Người ta đồn rằng Dostoievski mắc bệnh động kinh.

* Ảo ảnh, “con đẻ” của kiệt sức

Trong khi ảo ảnh của những người mắc bệnh đau nửa đầu hoặc bệnh động kinh thường xuất hiện sau những quầng sáng rực rỡ, thì ở những người khoẻ mạnh, chúng xuất hiện bất ngờ, không hề báo trước. Nỗi căng thẳng gay gắt về tình cảm, những sợ hãi hoặc những lúc kiệt sức thường làm cho mỗi người bị ảnh hưởng của ảnh gương.

Bác sĩ Dirk Arenz của Bệnh viện Thần kinh Andernach (Đức) giải thích: “Khi những giác quan mệt mỏi vì phải làm việc quá sức, hiện thực bên ngoài sẽ nhạt nhoà đi, những hình ảnh chỉ huy nội tại hiện lên, “nắm quyền chỉ huy” và… lao ra ngoài”. Theo bác sĩ Erich Kasten của Đại học Tổng hợp Magdeburg, “trung tâm não bộ lưu trữ hình ảnh của chính bản thân bệnh nhân trong tình trạng quá mệt mỏi sẽ liên tục được kích hoạt và làm nảy sinh hiệu ứng nhân đôi ảo”.

Việc trung tâm não bộ đóng một vai trò nhất định trong việc xuất hiện ảnh gương cũng đã được chứng minh qua số phận ngược chiều của những bệnh nhân Alzheimer. Theo thời gian, trung tâm não của họ ngày càng bị phá huỷ. Hậu quả là nạn nhân một ngày kia sẽ đứng trước gương và tự hỏi: Kẻ lạ mặt nào đang nhìn ta trong gương kia?

Hiện thời, nhà tâm lý học Bernd Frank đã thừa nhận rằng: “Chúng ta chỉ có thể lắng nghe, an ủi và cảm thông với họ”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ