17. Bí Quyết Làm Đẹp Thời La Mã Cổ Đại

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Một chút mỡ cừu, một chút bột chì… , từ rất lâu trước khi Maybe line xuất hiện, phụ nữ cổ đại đã biết sử dụng một số thứ nào đó để tôn thêm vẻ đẹp. Và sau khi hộp kem 2.000 tuổi được phát hiện tại một ngôi đền La Mã ở London, người ta càng khẳng định rằng phụ nữ đã dùng mỹ phẩm hàng thiên niên kỷ nay.

Các nhà nghiên cứu cho rằng: Thứ kem mới được phát hiện là một loại chất dưỡng ẩm làm từ sữa lừa, và nó vẫn tiếp tục được xét nghiệm. Nếu đây đúng là một phương tiện hỗ trợ sắc đẹp, loại chất dưỡng ẩm cổ đại này sẽ bổ sung vào bộ sưu tầm mỹ phẩm đã được thu thập qua các thời kỳ Hy lạp – La Mã khác nhau.

“Chúng tôi đã tìm thấy nhiều đồ tạo tác chứng tỏ con người rất quan tâm tới diện mạo của mình”, chuyên gia khảo cổ Nansi Rosenberg nói. 2.000 năm trước đây, nền văn hóa Hy Lạp – La Mã đã đạt được đỉnh cao về mức độ tinh xảo – mạng lưới Chính phủ với các ban ngành, hệ thống tưới tiêu tiên tiến, các sự kiện quần chúng thường lệ, như cuộc so tài giữa các võ sĩ giác đấu, thi đấu điền kinh, các buổi biểu diễn nghệ thuật… “Đó là một xã hội mang tính cộng đồng cao, nơi diện mạo đóng vai trò rất quan trọng”, Rosenberg nói.

Thực tế, từ “cosmetic” (mỹ phẩm) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp “cosmos”, có nghĩa là sắp xếp. Những tài liệu và đồ vật cổ cho thấy phụ nữ rất sáng tạo khi tìm ra cách tân trang khuôn mặt.

Một trong những bí quyết là chiết tách mồ hôi và cặn bẩn từ lông cừu để tạo nên kem làm trắng da mặt. “Về cơ bản đó chính là mỡ lông cừu, một loại dầu tự nhiên cũng được dùng trong nhiều loại mỹ phẩm ngày nay”, Jenny Hall, tại Bảo tàng London, giải thích. Đối với đôi môi, phụ nữ thuộc tầng lớp trên thường chám một ít hoàng thổ (đất son) để tạo nên một chút sắc đỏ. Những người khác chắt cặn từ rượu vang đỏ và lấy thứ chất nhớt này để điểm một ít sắc hồng lên đôi môi. Làm nổi bật đôi mắt cũng rất quan trọng.

Người La Mã cổ đại thường trộn mỡ gấu với bồ hóng đèn để tạo ra mascara và chì vẽ lông mày. Một số lại bôi nghệ tây lên mí mắt nhằm tạo điểm nhấn màu cam sẫm. Để hài hòa với đôi môi sáng và mắt thẫm, các quý bà La Mã cổ đại cần phải tạo ra một khuôn mặt trắng xanh. Loại kem được tìm thấy ở ngôi đền tại London có thể là loại kem làm trắng da. Nhưng các ghi chép trước cho thấy còn nhiều loại chất khác nhau để tạo nên khuôn mặt trắng. Một trong những chất đặc biệt khan hiếm là chất nhuộm chì trắng, còn được gọi là chì cacbonat.

Sally Pointer, nhà khảo cổ chuyên về lịch sử mỹ phẩm, cho biết chì cacbonat đã được sử dụng rộng rãi cách đây hành nghìn năm. Dấu tích của nó được tìm thấy trong những ngôi mộ ở Lưỡng Hà, nơi nền văn minh đã được hình thành hơn 6.000 năm trước. Và mặc dù các tài liệu cho thấy con người đã nhận thức được những đặc tính nguy hiểm của loại chất này, nhưng nó vẫn rất phổ biến. Thực tế, nữ hoàng Anh Elizabeth I cũng đã sử dụng thứ mỹ phẩm này và nhiều người cho rằng làn da lỗ chỗ của nữ hoàng chính là do loại mỹ phẩm độc hại này gây ra. Còn các loại chất khác ít độc hại hơn để tạo ra khuôn mặt trắng nhợt.

Một số phụ nữ chấm phân cá sấu khô lên mặt. Một số dùng phấn và rễ cây irit thơm, cũng rất độc. Một khuôn mặt tái xanh được coi là mang phong cách quý tộc – không bị ảnh hưởng tới những tia nắng mặt trời chói chang. “Mỗi giai đoạn lịch sử có một kiểu trang điểm hoặc xu hướng riêng, nhưng một số khía cạnh vẫn bất biến cho đến ngày nay. Rõ ràng là làn da trắng, môi đỏ, lông mày đen vẫn được coi là một vẻ đẹp hoàn hảo, thậm chí ở những nơi mà yếu tố di truyền không mang tới sắc màu đó”, Pointer nói.

Đối với người La Mã cổ đại, việc làm đẹp không chỉ dừng lại ở việc tô điểm. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những công cụ như nhíp tỉa lông mày và muỗng làm sạch tai. Những thiết bị này được cả đàn ông và phụ nữ sử dụng. Còn có những trung tâm thể dục nơi diễn ra các hoạt động thể thao như chạy, ném lao… để đàn ông luyện tập cơ thể. Họ cũng tắm rất nhiều. Rõ ràng hình thể cũng rất quan trọng đối với đàn ông cổ đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ