21. Thiên Tài Và Những Căn Bệnh Bí Ẩn

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Thiên tài được sinh ra một cách ngẫu nhiên hay theo một quy luật nhất định nào đó? Đây là câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học. Theo một thuyết được nhiều người quan tâm thì thiên tài thường mắc một căn bệnh đặc biệt nào đó và chính căn bệnh này đã tác động khiến họ có những khả năng phi thường.

Thuyết này lần đầu tiên được nhà di truyền học người Nga Vladimir Froismon đưa ra hồi đầu thế kỷ XX.

Vladimir Froismon đã dành nhiều thời gian để thống kê thành một danh sách những thiên tài bị ảnh hưởng của bệnh viêm khớp, trong đó có những người có tên tuổi lớn hơn Isaac Newton, Charles Darwin, Christophe Colombo, Galileo, Francis Bacon, Desiderius, Voltaire…

Theo nghiên cứu của Froismon thì bệnh viêm khớp thường gây ra một lượng axit uric cao trong máu. Loại axit này là tác nhân kích thích bộ óc làm việc mạnh mẽ. Thành phần của axit uric cũng tương tự như thành phần của chất caffein và theobromin, những chất kích thích có trong cà phê và chè. Hiện tượng nhiều axit uric trong máu không chỉ giúp làm tăng khả năng nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên như toán học, vật lý học, hoá học, thiên văn học mà còn thúc đẩy các nhà hoạt động xã hội và tài năng nghệ thuật, văn chương phát triển.

Danh sách những người chịu ảnh hưởng của bệnh viêm khớp còn có các danh hoạ như Michel Angelo, Rembrandt, thiên tài âm nhạc Beethoven và nhà chính trị nổi tiếng người Đức Otto Bismarck.

Một căn bệnh khác cũng được coi là ảnh hưởng đến sự ra đời của các thiên tài và hội chứng Marfan. Những người mắc hội chứng này thường có tầm vóc cao lớn quá khổ với những ngón tay, ngón chân, cẳng tay, cẳng chân dài một cách khác thường. Một đặc điểm nữa là hầu hết những người mắc hội chứng Marfan đều có khuôn mặt dài và hẹp.

Đặc trưng lạ lùng trên là do những biến thể đặc biệt của cơ thể con người dưới tác động của hội chứng Marfan gây ra. Nhiều nhà khoa học cho rằng chính sự biến đổi như vậy đã mang lại cho thế giới nhiều nhân vật xuất chúng. Có thể liệt kê nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới mắc hội chứng Marfan đều có những đặc điểm như vậy, trong đó tiêu biểu nhất là 3 người sau đây.

Thứ nhất là tổng thống Anh Abraham Lincoln (1809 – 1865), người có công xoá bỏ chế độ nô lệ ở nước này. Abraham Lincoln xuất thân từ một thợ khắc gỗ, sau đó nhờ nghị lực vươn lên ông trở thành luật sư, rồi thành tổng thống Mỹ. Ông có năng lực làm việc phi thường, khả năng phán đoán và có lòng dũng cảm. Tổng thống Lincoln cũng có khuôn mặt dài và hẹp.

Người thứ hai là nhà văn nổi tiếng người Đan Mạch, Hans Christian Andersen (1805 – 1875). Ông vốn là con trai của một người thợ đóng giày nghèo khổ, mồ côi từ nhỏ, Andersen bắt đầu đi học rất muộn và mãi đến năm 23 tuổi mới vào đại học. Ông nổi tiếng qua những câu chuyện cổ tích, chuyện ngụ ngôn làm say mê cả trẻ em lẫn người lớn trên khắp thế giới hơn thế kỷ qua. Khuôn mặt của Andersen cũng có nét nhỏ hẹp của những người mắc hội chứng Marfan.

Người thứ ba là tổng thống Pháp Charles de Gaulle (1890- 1970). Ông là một vị tướng nổi tiếng của Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và về sau trở thành vị tổng thống ghi đậm dấu ấn trong lịch sử chính trị Pháp giai đoạn sau chiến tranh. Ngay từ khi còn nhỏ, de Gaulle đã biểu hiện lòng dũng cảm và trí thông minh. Ông có tầm vóc cao lớn hơn tất cả bạn bè và bờ vai đặc biệt hẹp hình góc nhọn.

Cả 3 nhân vật nổi tiếng nêu trên đều mang những triệu chứng của hội chứng Marfan. Ngoài năng khiếu đặc biệt về chính trị, văn học và quân sự, họ còn có một sức khoẻ rất đáng nể.

Các nhà khoa học cho rằng hội chứng Marfan là nguyên nhân sản sinh ra nhiều chất catecholamin trong máu. Đây là tố chất góp phần kích thích sự hoạt động cao của trí óc và sinh lý cơ thể, khiến cho hầu hết những người mắc hội chứng Marfan đều có năng lực làm việc phi thường. Ngoài ra, một trong những điểm chung của người mắc hội chứng Marfan là đa số họ đều có những khả năng hài hước đặc biệt. Tổng thống Lincoln và nhà văn Andersen là minh chứng cho nhận định này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ