Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy, nhiều động vật có bạn tình tạm thời chỉ để giao phối, chứ không phải để có con. Chính vì thế, mối quan hệ đực – cái của chúng rất lỏng lẻo và chúng chỉ thiết tha với bạn cùng giới mà thôi.
Phát hiện này đã đặt ra thách thức mới với giả thuyết tiến hóa của Darwin, tức là mọi sinh vật đều phát triển theo hướng có nhiều con hơn, để duy trì nòi giống. Một bằng chứng mới nhất vừa được tìm thấy trên những con khỉ macaca ở Nhật Bản.
Nhà tâm lý học Paul Vasey, Đại học Lethbridge, Alberta (Canada), đã nghiên cứu một nhóm gồm 120 con khỉ đang sống trên dãy núi Arashiyama gần Kyoto. Vasey phát hiện thấy, các “nàng” chủ yếu kết thân với những con cái khác trong đàn. Ngoài việc ăn, ngủ và chải lông cho nhau, chúng còn cưỡi lên lưng nhau và bắt chước hành động giao phối như với con đực.
Chưa hết, 9 trong 10 lần các “chàng” thật đến tán tỉnh đều bị các “nàng” đánh đuổi đi. Tuy nhiên, sở thích ngược đời này không ảnh hưởng tới cơ hội có con của khỉ macaca. Vasey phỏng đoán: Những con khỉ cái mà chúng kết giao thường thân thiện hơn và đơn giản chỉ là bạn tốt, chứ không phải là địch thủ cạnh tranh bạn tình. Mặc dù vậy, sở thích ấy đã tiến hóa ra sao thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ chưa có lời đáp.
Nhà sinh vật học tiến hóa Joan Roughgarden của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết: Ít nhất có 14 loài khác, trong đó có ngỗng trời Canada và dơi quả, đôi khi vẫn chọn bạn đời cùng giới chứ không phải là những kẻ khác giới. Trước kia, hiện tượng này được xem là các trường hợp ngoại lệ. Nhưng hiện nay, với việc có thêm những bằng chứng thuyết phục hơn, người ta sẽ phải xem lại giả thuyết tiến hóa phổ biến trước đây.