ị nhốt chặt trong thân cây, con cái của loài ong mật thảo nguyên Antistrophus rufus không sao báo được cho các “chàng” biết về sự có mặt của mình trong đó. Chúng bèn kích thích cây sản ra các chất thơm để dụ các “chàng” tới.
Đây là lần đầu tiên khoa học ghi nhận được một loài động vật có thể sai khiến được thực vật sản ra “hoocmôn giới tính” cần thiết, giúp nó quyến rũ bạn khác giới, John F. Tooker, Đại học Illinois (Mỹ), cho biết. Khi nghiên cứu về tập tính của những cộng đồng côn trùng trên các thảo nguyên ở miền trung Tây nước Mỹ, Tooker và cộng sự đã tình cờ phát hiện ra kiểu hợp tác kỳ lạ này. Ong mật thảo nguyên Antistrophus rufus chỉ nhỏ như bọ chét, được sinh ra trong thân của loài cỏ Silphium. Mùa đông, con non vẫn còn ở dạng ấu trùng.
Xuân đến, những con đực chui ra khỏi tổ đầu tiên, trong khi các con cái vẫn bị nhốt chặt trong thân cây mục. Chỉ khi một con đực tới định cư trên cái thân cây ấy, con cái mới nhai nát thân cây và tìm đường đến với “chàng”. Tooker tự hỏi làm thế nào những con ong đực tí hon và không biết bay này, trong quãng thời gian ngắn ngủi 9 ngày chúng có thể tìm ra nơi ở của con cái. Ở đây, cần loại trừ giả thuyết con cái sử dụng các tín hiệu trực tiếp để thu hút con đực như nhiều loài côn trùng khác vẫn làm, vì chúng hoàn toàn bị “niêm phong” trong thân cây.
Như vậy, chỉ có khả năng là các “nàng” đã báo động cho “chàng” biết thông qua “bức thư tình” mà thân cây gửi hộ – đó là các chất do cây tiết ra. Quả thật, khi so sánh những thân cỏ Silphium có chứa và không chứa ong cái, Tooker phát hiện thấy những thân cây che giấu các “nàng” thì tiết ra các hóa chất bảo vệ có mùi mạnh hơn nhiều so với các cây không chứa ong. Chính nhờ những dấu vết này, mà ong đực có thể tìm được bạn đời của nó, thậm chí rất lâu sau này cây chết.