33. Ếch Đực “Cầu Hôn” Bằng Tiếng Hót

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Một đêm đáng nhớ, Albert S. Feng và cộng sự của ông ra bờ sông Tau Hau (Trung Quốc) để tìm hiểu những tiếng chim đang lảnh lót ở đâu đó. Thì ra, đó là một chú ếch đực Amolops tormotus (A. tormotus) đang mải miết phô diễn những giai điệu du dương hệt như tiếng chim để dụ dỗ bạn tình.

Đây là lần đầu tiên khoa học ghi nhận được một con ếch biết kết hợp các âm điệu trầm bổng, bởi hầu hết các loài ếch trước nay đều chỉ độc diễn một khúc tấu bổng hoặc trầm mà thôi. Đây cũng là những tiếng kêu đầu tiên của ếch có phổ âm thanh mở rộng sang cả dải sóng siêu âm. “Âm thanh này có phổ rộng đến mức khó tin”, Albert S. Feng, một chuyên gia tại Đại học Illinois ở Urbana (bang Illinois, Mỹ), cho biết. Loài ếch A. tormotus thường trổ tài ca hát vào ban đêm.

Chúng tăng cường các giai điệu, độ phức tạp và tần số của tiếng kêu để át hẳn đối thủ. Chính vì sự đa dạng này mà trong suốt 12 giờ ghi âm tiếng “hót” của 21 con đực, các nhà nghiên cứu đã không hề phát hiện được “bản giao hưởng” nào trùng nhau. Nhóm nghiên cứu hiện đã có kế hoạch tìm hiểu, liệu có phải cấu tạo đặc biệt của cơ thể ếch đã phú cho chúng tiếng hót của những động vật có cánh. Ếch đực A. tormotus có những rãnh ở tai dẫn vào các màng tai nằm trong hộp sọ.

Trong khi đó, hầu hết màng tai của những loài ếch khác nằm ở rìa quanh miệng và đầu của chúng. Nhóm nghiên cứu cũng dự kiến sẽ tìm hiểu xem ếch A. tormotus có thể điều khiển hai túi âm thanh ở cổ họng độc lập nhau hay không. Nếu đúng như vậy điều này có thể đã góp phần tạo ra những tiếng kêu rất phức tạp của chúng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ