Huyền thoại và truyền thuyết trên khắp thế giới mô tả dơi là những con quái vật hút máu người. Trên thực tế, dơi hút máu người có tồn tại song chỉ có ba loài ở Nam và Trung Mỹ.
Dơi hút máu là thành viên của họ dơi lớn Phyllostomidae. Phân loài phổ biến là Desmodus rotundus (hai phân loài còn lại là Diaemus youngi và Diphylla ecaudata), có sải cánh rộng khoảng 20 cm và kích cỡ cơ thể chỉ bằng ngón tay cái của một người trưởng thành.
Con người có lẽ chẳng quan tâm tới những con dơi nhỏ này nếu bữa ăn của chúng không quá đặc biệt: chúng hút máu của những con chim lớn, bò, ngựa và lợn. Hai phân loài còn lại chủ yếu hút máu của các loài chim. Tuy nhiên, chúng không hút máu người như tên gọi mà con người đặt cho chúng.
Sử dụng những chiếc răng nhọn, dơi tạo ra những vết cắn cực nhỏ trên da của một động vật đang ngủ. Nước bọt của chúng chứa một loại hóa chất giúp máu không đông. Sau đó, dơi liếm máu rỉ ra từ vết thương. Một chất nữa trong nước bọt làm tê da trên động vật không có cảm giác đau và không thể thức giấc, nên dơi có thể nhấm nháp máu tươi tới… 30 phút.
Dơi hút máu tìm con mồi bằng cách định vị con mồi bằng cách thông qua tiếng vang (phát ra âm thanh và diễn dịch tiếng dội), mùi và âm thanh. Chúng bay cách mặt đất chừng 1 m rồi sử dụng các bộ phận cảm nhiệt đặc biệt ở mũi để tìm mạch máu gần da cũng như địa điểm liếm máu tốt nhất. Mặc dù không phổ biến song dơi hút máu thỉnh thoảng cũng cắn người. Không giống những loài dơi khác, dơi hút máu có những thích ứng đặc biệt đối với nhu cầu ăn độc nhất vô nhị. Chúng có thể đi bộ, chạy và nhảy. Chân sau cực khỏe và một ngón cái đặc biệt giúp chúng cất cánh sau khi liếm máu.
Điều gì sẽ xảy ra nếu dơi hút máu không thể kiếm ăn hàng đêm? Nếu chúng không thể tìm ra máu trong hai đêm liền, chúng sẽ chết. Điều may mắn là dơi cái rất “hào phóng”. Những con dơi đã ăn uống no nê thường ựa ra máu cho những con dơi đói. Đổi lại, dơi đực phải… chải lông cho chúng (! ). Khi được nuôi nhốt, dơi cái rất thân thiện với đồng loại vừa sinh con. Chúng thường cung cấp máu cho dơi mẹ trong khoảng hai tuần sau khi sinh.
Tuổi thọ của dơi hút máu trong nuôi nhốt có thể lên tới 20 năm. Chúng là loài động vật có vú duy nhất hoàn toàn sống dựa vào máu, chỉ nặng 15- 50g. Chúng có ít răng hơn các loài dơi khác. Dơi hút máu có thị giác tinh tới mức chúng có thể nhìn thấy một con bò cách xa 130m. Mặc dù vết cắn của dơi hút máu không có hại song chúng có thể lây bệnh dại. Chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, đã có 13 người tử vong tại Brazil do bị dơi mang bệnh dại cắn. Chúng đã tấn công khoảng 300 người tại đây.
Các nhà khoa học đã phát hiện nước bọt của dơi hút máu có tác dụng ngăn máu không đông tốt hơn các loại thuốc khác. Do vậy, nó rất hữu ích trong việc ngăn chặn đau tim và đột quỵ. Dơi hút máu là một trong một số ít loài dơi được coi là vật gây hại. Ở các nước mỹ La tinh, dơi hút máu ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi gia súc nên mọi người đã tiến hành các chiến dịch kiểm soát chúng. Tuy nhiên, hàng triệu con dơi có ích đã bị giết do mọi người nhầm tưởng chúng là dơi hút máu.