Trong kiệt tác Ấn tượng Mặt trời mọc của Claude Monet, mặt trời dường như hút hết sinh lực của thiên nhiên để toả sáng rực rỡ. Nhưng thực ra, độ sáng của nó không hề lớn hơn những điểm xám trên nền trời xung quanh. Thì ra, Claude Monet đã khai thác một đặc điểm thị giác của mắt người để tạo nên ảo giác đó.
Nhà thần kinh học Margaret Livingstone, Đại học Y khoa Harvard (Mỹ), đã công bố công trình nghiên cứu này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội khoa học tiến bộ Mỹ, đang diễn ra tại Denver.
Livingstone đã sử dụng những kiệt tác hội hoạ để minh chứng cho sự khác biệt giữa nhận thức về màu sắc và độ sáng của não người. Trong một chuyến thăm tới Pais gần đây, bà có dịp kiểm tra bức tranh Ấn tượng Mặt trời mọc vẽ bến cảng Le Harve của Monet. Tâm điểm của bức tranh là hình ảnh mặt trời, xuất hiện như một quả cầu lửa nhô lên trên nền trời mây mù xanh xám, phản chiếu ánh sáng xuống mặt nước, nơi những con tàu đánh cá đang buông neo.
Tuy nhiên, trái với cảm nhận thông thường của chúng ta, Livingstone cho biết mặt trời trên bức tranh không hề sáng hơn so với nền trời xanh xám ở quanh đó.
Bà nói: “Lý do là hệ thống thị giác của chúng ta bị phân đôi rõ rệt: Một bên cảm nhận về màu sắc và bên kia là về độ sáng (cường độ phản xạ ánh sáng). Giữa chúng không hề có mối ràng buộc với nhau. Khi đánh giá màu sắc bức tranh, não ta đã vô tình coi mặt trời như là một loại cấp sáng và vì thế ta tưởng rằng mặt trời chói loá hơn hẳn cảnh vật xung quanh”.
Việc đánh giá sẽ công bằng hơn, nếu tất cả đều ở dạng đen trắng, khi đó mọi vật thể có độ sáng như nhau đều xám cùng một cấp. Livingstone đã chứng minh điều này bằng cách chụp lại ảnh đen trắng của bức Ấn tượng Mặt trời mọc. Với bức ảnh đó, bằng mắt thường mặt trời biến mất, nói đúng hơn là hoà vào màu xám của nền trời, do nó có độ sáng bằng với độ sáng của nền trời xung quanh.
“Các hoạ sĩ thiên tài như Monet hiểu rõ hệ thống thị giác của con người phân đôi như thế nào và đã khai thác nó một cách tinh tế để tạo ra ảo giác về màu sắc và không gian”. Livingstone giải thích. Hai phần thị giác đó đôi khi còn được gọi là hệ thống “Where” (ở đâu) và “What” (cái gì). Hệ thống “Where” tồn tại ở động vật có vú, cho phép chúng ta có thể thấy được sự vật trong không gian 3 chiều, và nhận ra những vật thể di động, nhưng không thấy màu sắc.
Ngược lại, hệ thống “What” chỉ tồn tại ở loài động vật bậc cao, trong đó có con người, cho phép ta nhìn thấy màu sắc, phân biệt được các khuôn mặt cũng như đánh giá mặt biểu hiện hoặc thái độ.
Cũng bằng thủ pháp tạo hiệu ứng ảo giác, Leonard de Vince đã khiến cho nụ cười của nàng Mona Lisa trở nên nhẹ nhàng mà huyền bí. Livingstone cho biết: khi chăm chú nhìn vào đôi mắt của Mona Lisa, bạn chỉ “khoanh” được một khu vực rất nhỏ bên lông mày và gò má. Vì vậy, bạn không nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt và không gian đằng sau bức tranh. Khi đó, các nét mờ trên gò má Mona Lisa sẽ hiện lên khá rõ, khiến bạn có cảm giác khoé môi của người phụ nữ này cũng được kéo nhếch lên và tô đậm hơn. Kết quả, bạn thấy người phụ nữ cười.
Ngược lại, khi bạn nhìn vào miệng nàng thì hiệu ứng này cũng lập tức biến mất cùng với nụ cười ấy. Thì ra nụ cười này vừa thật, vừa ảo. Có điều, khi sử dụng “mẹo” ảo giác này, Leonard de Vince có lẽ đã không vận dụng đến kiến thức khoa học mà dựa vào kinh nghiệm của một nghệ sĩ nhiều hơn.
* “Mắt thần”
Bài nghiên cứu của Giáo sư Itzhk Fried, Đại học California (Mỹ) đăng trên tạp chí khoa học The Lancet năm 1992 khẳng định: “Để nhận biết hình ảnh, con người cần rất ít thực tế”. Đây là một kết luận thật khó hiểu. Để tìm hiểu xem Fried nói gì, một lần nữa, chúng ta lại phải quay lại… với bức tranh Mona Lisa.
Fried cho mời 100 người đàn ông tới một cuộc thử nghiệm. Ông chia họ làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất được nhìn thấy bản sao của Mona Lisa treo trên tường, còn nhóm thứ hai tới một căn phòng trống trơn để nghe kể về bức tranh. Sau đó ông mời hai nhóm tới một căn phòng khác và đề nghị họ miêu tả lại bức tranh. Trong khi những người này miêu tả, Fried dùng một phương pháp đặc biệt để đo các hoạt động trong não bộ của họ. Kết quả thật kỳ lạ: Não bộ của những người này đều vận động các tế bào giống hệt nhau và “bức tranh” mà họ kể lại khá giống nhau: Chúng đều là sản phẩm của rất ít thực tế và rất nhiều tưởng tượng.
“Điều quan trọng không phải là chúng ta nhìn thấy bức tranh thật hay chỉ ngồi tưởng tượng. Mỗi người đều có một con mắt thần – bộ phận lưu giữ các hình ảnh tưởng tượng – giúp chúng ta có thể tổng hợp hình ảnh và trình bày một khung cảnh nhất định”, Fried nói.
* Thực tế và ảo giác
Tại sao bạn luôn có cảm giác rằng bạn có một bức tranh đầy đủ và thực tế về cuộc sống hiện thực này? “Bởi vì rất hiếm khi bạn gặp được ai đó chỉ cho thấy điều ngược lại! “, các nhà nghiên cứu hành vi giải thích.
Não bộ của bạn luôn được thu nạp và xử lý một số hình ảnh mà mắt bạn “quét” được từ thực tế, nhưng nó còn thu nhận một khối lượng lớn hơn nhiều các hình ảnh từ kho kinh nghiệm và trí tưởng tượng của bạn. Mặt khác, việc não bộ của bạn lựa chọn “thực tế” nào là do trí tưởng tượng quyết định.
Ví dụ, mắt bạn “quét” được toàn cảnh một cánh đồng gồm nhiều bươm bướm và chuột, nhưng nếu trí tưởng tượng của bạn chỉ “thích” bươm bướm chẳng hạn, thì não bộ sẽ tự động xoá những con chuột ra khỏi bức tranh. Kết quả là bạn chỉ nhớ được một bức tranh có toàn bươm bướm. Tóm lại, bức tranh tổng thể về thế giới của bạn phần nhiều là tưởng tượng chứ không phải thực tế. Có thể nói, một số hình ảnh về thế giới chỉ do ảo giác của con người mà có được.
Các nghiên cứu mới nhất về khoa học thần kinh cho biết, không ai có thể cùng một lúc nhìn thấy tất cả những chi tiết của một bức tranh. Mỗi vật thể, dưới con mắt của mỗi người sẽ có một hình thù khác nhau. Các nhà khoa học giả thuyết: “Nhìn và lựa chọn hình ảnh là một quá trình sáng tạo, y hệt như hình vẽ một bức tranh vậy. Sản phẩm của nó chỉ vô tình trùng lặp với thế giới của những hiện tượng vật lý mà thôi”.
* Chuyện chọn áo nhầm màu trong siêu thị
Nếu giả thuyết trên được ủng hoặc kiểm chứng thì đó sẽ là một tin mừng lớn với nhà vật lý Isaac Newton. Cuối thế kỷ XVII, Newton đã có ý tưởng cho rằng: mọi vật tự nó đều không có màu sắc nếu không có sự hiện hữu của ánh sáng. Tuy vậy, não bộ của chúng vẫn cố gán cho chúng màu sắc nào đó.
Hai nhà sinh học thần kinh Dale Purves và Beau Lotto, Đại học Duke (Anh), cho biết: “Màu sắc là sản phẩm của cảm nhận chứ không phải thực tế”. Theo đó, con người có thể thu nạp hình ảnh dựa trên tưởng tượng và kinh nghiệm một cách khá chính xác. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều trường hợp, người mua hàng chọn một chiếc áo theo màu ưa thích trong siêu thị, nhưng khi về nhà mới phát hiện ra nó có màu không như ý muốn. Nguyên nhân là khi ở cửa hàng, người đó đã chọn màu theo tưởng tượng và kinh nghiệm chứ không phải theo màu thực do mắt “quét” được.
* Vấn đề nhân chứng
Nếu các hình ảnh lưu giữ trong não bộ không có liên hệ gì rõ ràng với thế giới hiện hữu, thì ai có thể khẳng định rằng, cái anh ta nhìn thấy là “thật sự đã xảy ra”, hay đó chỉ là “ảo giác”. Trong lần thí nghiệm ở phần thứ nhất, người phụ nữ đã nói chuyện mấy phút liền với khách hỏi đường mà không nhận ra anh ta đã bị tráo đổi. Vậy thì lời kể của nhân chứng trong một sự kiện chỉ diễn ra chớp nhoáng có thể tin được hay không? Hơn nữa, ở thời điểm xảy ra sự kiện, nhân chứng thường khá thờ ơ, thậm chí anh ta đang chú tâm vào một việc gì đó hoàn toàn khác. Thế thì, nhân chứng có khác gì những người đàn ông xem bóng rổ, không hề nhìn thấy con vượn chạy qua.
Nhà khoa học Stephen Kosslyn, Đại học Harvard, còn làm một thí nghiệm như sau: Ông mời 10 người xem bức ảnh của một người đàn ông. Sau đó, ông cho họ xem một bức ảnh khác cũng của người ấy với một số nét thay đổi về quần áo và kiểu tóc. Khi được mời kể lại về sự khác biệt giữa hai bức ảnh, 10 người này đã nói khác nhau, trong đó có nhiều chi tiết không hề có trong cả hai bức ảnh. Kosslyn kết luận: “Con người không thể phân biệt được đâu là thông tin khách quan (thực tế) và đâu là tưởng tượng. Bình thường, họ thu nhận hỗn hợp cả hai nguồn thông tin này”.
* Một mình giữa cõi đời
Có lẽ sẽ rất lâu khoa học mới giải thích được mối liên hệ giữa thực tế và tưởng tượng. Tuy nhiên ngày càng có nhiều giả thiết cho rằng: Thế giới thị giác đầy đủ của chúng ta được hình thành từ một số hình ảnh cụ thể, kết hợp với một số hình ảnh chìm sâu trong kho kinh nghiệm và… rất nhiều tưởng tượng.
Vì mỗi người đều có một trí tưởng tượng riêng, nên mỗi người đều cô độc trong một thế giới của những hình ảnh thị giác đơn lẻ. Tiến sĩ Richard Gregory, nhà tâm lý, tác giả của rất nhiều cuốn sách về tri thức thị giác đã đưa ra một tổng kết bi quan như sau: “Thế giới thị giác mà bạn đang sống là ngôi nhà riêng của bạn. Thỉnh thoảng bạn lại nuôi ảo tưởng rằng, có thể chia sẻ nó với một người nào đó. Nhưng thực tế, chẳng ai có thể chia sẻ với bạn. Bạn chỉ có một mình mà thôi… Một mình giữa cõi đời này”.