“Đột nhiên mặt đất rung chuyển, nhà cửa, cây cối nghiêng ngả như động đất. Những sinh vật kì lạ sử dụng các loại máy bay quay tròn trên những nóc nhà trong làng. Ở ngay khoảng đất trước nhà mình, “họ” đáp xuống và mở cửa khoang máy ra ngoài. Lúc đó, nỗi sợ hãi và khiếp đảm khiến cho em hoảng loạn, Nhưng khi bình tâm, em nhớ lại tất cả… ”
Đó là lời kể của em gái 13 tuổi Theodona khi nhìn thấy người ngoài trái đất trong hai trận cuồng phong xảy ra năm 1998 ở một làng nhỏ thuộc ngoại ô thành phố Shoumen (Bulgaria). Theo lời các cụ già trong làng, đó là hai trận cuồng phong kỳ lạ chưa từng có. Đất đá phải xảy ra trên một vùng rộng lớn chứ không phải chỉ trong phạm vi làng. Tuy nhiên, không ai trong làng nhìn thấy gì khác lạ. Ngoại trừ Theodona…
Theo sự mô tả của bé gái này, các nhà khoa học phỏng đoán, đó phải là cuộc viếng thăm của những cư dân ngoài trái đất, khi sử dụng phi thuyền dạng đĩa bay, có tốc độ rất lớn tương đương tốc độ ánh sáng (300.000 km/s) đáp xuống làng. Theodona kể rằng, “đám người lạ có nhiều hình thù khác nhau, có người giống như người Bulgaria với vóc dáng rất đẹp như thiên thần trong các truyện cổ tích, nhưng không ít người diện mạo dữ dằn như quỷ… “.
Nhà khoa học vũ trụ Nga Valentin Phomenko đã sang Bulgaria tìm hiểu về “chuyện của cô học trò nhỏ vùng Shoumen”. Sau một thời gian nghiên cứu, ông kết luận: “Bé gái Theodona thật sự có khả năng giao tiếp và nhìn rõ những sinh vật lạ từ bên ngoài vũ trụ, trong khi những người khác ở Shoumen không có khả năng này”. Theo Phomenko, điều đó có liên quan đến một năng lực đặc biệt, giúp Theodona đi vào không gian bốn chiều đầy bí ẩn, vì vậy em đã nhìn thấy hình ảnh mà người khác không thấy được”.
Theo các nhà khoa học, não bộ của con người không thể tưởng tượng được không gian bốn chiều. Điều đó được giải thích như sau: Bạn hãy tưởng tượng các sinh vật ở không gian hai chiều. Chúng sống trong một mặt phẳng và không biết gì về sự hiện hữu của không gian ba chiều.
Vì vậy, mọi di chuyển của chúng sẽ bị giới hạn trên mặt phẳng ấy và không thể tiến vào chiều thứ tư như chúng ta. Nếu một quả cầu lọt vào thế giới đó, các sinh vật hai chiều mới đầu sẽ nhìn thấy một điểm sáng, rồi đến các hình tròn to dần lên, đến mức cực đại, rồi các hình tròn nhỏ dần, thu lại thành một điểm rồi biến mất. Kết quả là, chúng chỉ nhìn thấy những đường tròn mà không hiểu “toàn bộ câu chuyện về quả cầu” như thế nào.
Nhưng đôi khi, sinh vật hai chiều cũng có thể đạt tới điều kỳ bí. Ví dụ chúng muốn vượt qua khoảng cách từ A tới B trên mặt phẳng. Theo lẽ thường, thời gian cần thiết lên tới cả chục năm. Nhưng vì một biến cố nào đó, mặt phẳng kia bị cong lại trong không gian ba chiều, khiến điểm A và B trở nên gần nhau, thậm chí trùng lên nhau. Khi đó, điều kỳ diệu đã đến với chúng: khoảng cách chục năm sẽ được rút ngắn chỉ trong phút chốc!
Phomenko giải thích, không gian ba chiều nằm trong cái nôi của không gian bốn chiều. Nếu ai có khả năng xâm nhập vào không gian thứ tư, thì đối với anh ta, khoảng cách hàng vạn dặm, thậm chí hàng vạn năm ánh sáng không có ý nghĩa gì. Anh ta vượt qua trong phút chốc bằng cách đi qua khe hở của chiều thứ tư này. “Khe hở” đó là biên giới ngăn cách hai thế giới, thế giới của không gian ba chiều và không gian bốn chiều. Đó chính là cơ hội để những sinh vật nhỏ bé xâm nhập vào chiều thứ tư, như em gái Theodona.