Không cứ phải vào rừng kiếm một guru râu dài mới học được thiền. Tại Mỹ, giờ đây, nhiều khi không muốn ngồi thiền cũng khó vì giờ đây nó là môn được yêu cầu tại nhiều trường học, bệnh viện, công ty luật, các tổ chức chính phủ và cả trong nhà tù…
Trong các trường học bao gồm cả đại học, trung học cấp 2, cấp 3 và tiểu học ở Fairfeild, Iowa, sinh viên và học sinh ngồi thiền tập thể 2 lần mỗi ngày. Ngay tại các khách sạn khu Catskills ở New York đã trở thành các trung tâm thiền nhanh đến mức được coi là Buddhist Belt (Vành đai Phật giáo).
Trào lưu thiền định khởi phát từ văn hoá và y học. Ngày càng nhiều thầy thuốc ở Mỹ yêu cầu bệnh nhân ngồi thiền như một biện pháp phòng và điều trị các bệnh mạn tính như tim, AIDS, ung thư, vô sinh và đặc biệt là các bệnh rối loạn thần kinh, trầm cảm. “30 năm nghiên cứu đã cho chúng tôi thấy thiền định có tác dụng tuyệt vời trong việc giảm stress”, Daniel Goleman cho biết. Ông là tác giả của cuốn Destructive Emotions (Những cảm xúc tiêu cực) – cuốn sách miêu tả cuộc đối thoại giữa Đạt Lai Lạt Ma và nhóm các nhà thần kinh học. Các kỹ thuật quét ảnh não tân tiến cho thấy thiền có thể “rửa” lại não, giải toả các khu vực căng thẳng vì máu ở tình trạng ách tắc…
Bộ não cũng giống như cơ thể, có thể trải qua những thay đổi cực nhỏ trong thiền định sâu. Năm 1967, giáo sư Herbert Benson ở Đại học Y Harvard đã tiến hành nghiên cứu trên 36 người thiền định và thấy rằng khi ngồi thiền họ dùng lượng oxy ít hơn bình thường 17%, giảm 3 nhịp tim/ phút và tăng sóng Theta ở não – hệt như trạng thái trước ngủ – trong khi toàn não vẫn tỉnh táo. Những năm 70, Benson còn chứng minh rằng: người ngồi thiền có thể đạt được trạng thái tỉnh táo hơn và hạnh phúc hơn. Benson nói: “Tất cả những gì tôi làm là dùng logic sinh vật học để giải thích môn thiền học được con người dùng hàng nghìn năm nay”.
Bảy năm sau, tiến sĩ tâm thần học Gregg Jacobs, Đại học Havard qua việc ghi sóng não đã phát hiện ra rằng những người ngồi thiền định có thể sản sinh ra rất nhiều sóng Theta và có thể phong toả phần não trước vốn nhận và xử lý cảm giác, ngoài ra họ cũng giảm thiểu hoạt động ở phần thuỳ đỉnh não, nơi phụ trách các cảm giác về không gian – thời gian. Bằng cách “tắt” thuỳ đỉnh não, người ta có thể mất cảm giác về giới hạn và thấy vũ trụ “trở thành một”.
Công nghệ dựng ảnh não ra đời càng thúc đẩy thêm nhiều nghiên cứu. Năm 1997, nhà thần kinh học Andrew Newberg, thuộc Đại học tổng hợp Pennsylvania, đã dùng tia phóng xạ để xem áp lực máu trong não của một nhóm các thiền sư và phát hiện ra rằng khi họ nhập định, não của họ không “tắt” mà chỉ phong toả các thông tin lên thuỳ đỉnh não. Nghiên cứu thiền định đã có một bước ngoặt vào tháng 3/2000 khi Đạt Lai Lạt Ma gặp gỡ các nhà thần kinh học ở Ấn Độ và yêu cầu sử dụng các kỹ thuật dựng ảnh não hiện đại nhất để quan sát các đại sư thiền định (gắn đầy các điện cực).
Người Mỹ đang say mê thử các kỹ thuật thiền như Vipassana (tập thở), thiền định (đi bộ chậm trong tỉnh giác), TM (thần thiền, bằng cách nhắc đi nhắc lại những câu thần chú tiếng Phạn). Dzogchen (tỉnh giác) và thậm chí cả thiền vũ (nhảy theo nhạc). Roger Walsh, giáo sư triết học, tâm thần học, Đại học tổng hợp California, nói: “Chỉ những năm gần đây ngành tâm thần học phương Tây mới chỉ nhận ra hội chứng nhiễu loạn chú ý mất tập trung). Nhưng các thiền giả phương Đông đã biết từ hàng nghìn năm trước rằng con người luôn bị nhiễu loạn chú ý mà không ý thức được”.
Hơn 10 năm trước, tiến sĩ Dean Ornish đã khẳng định thiền cùng với yoga và ăn kiêng có tác dụng giảm thiểu sự tích tụ các mảng bám ở động mạch vành. Tháng 4/2003, tại đại hội của Hội Tiết niệu Mỹ, ông đã công bố nghiên cứu rằng: Thiền định có thể làm chậm lại sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Tại Đại học Cambridge, John Teasdale chứng minh rằng: Thiền giúp bệnh nhân trầm cảm rất hiệu quả và giảm tới 1/2 khả năng tái phát bệnh.
Ngoài ra, Jon Kabat- Zin, người thành lập Trung tâm trị liệu Stress năm 1979, đã giúp đỡ hơn 14.000 người vượt qua các bệnh đau đớn mà không cần dùng thuốc bằng cách tập trung thiền định. Jon nói: “Thiền định cực kỳ hữu dụng với những bệnh nhân ung thư, AIDS hay các bệnh nhân đau mạn tính”. Cũng theo Jon, kỹ thuật thiền định càng hoàn hảo, con người càng có nhiều kháng thể và hệ thống miễn dịch trong cơ thể càng lớn mạnh.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu mới cũng cho thấy thiền đôi khi có thể thay thế được Viagra vì nó mang lại rất nhiều sinh lực.
Nữ nghệ sĩ Heather Graham bắt đầu ngồi thiền từ 12 năm trước dưới sự hướng dẫn của David Lynch, đệ tử của Maharishi nổi tiếng: “Thiền định đã khiến đời tôi đổi khác”, chị nói. “Vào cuối ngày, những câu chuyện phức tạp ở phim trường chẳng còn ý nghĩa gì với tôi nữa”. Rất nhiều người Mỹ nổi tiếng đã ngồi thiền như: Goldie Hawn, với thiền phòng đầy ảnh Đạt Lai Lạt Ma và mẹ Teresa; hay Bill Ford, ông chủ hãng Ford Motors; cả Hillary Clinton cũng ngồi thiền; rồi vợ chồng nhà Al Gore. “Cả hai chúng tôi đều tin tưởng vào cầu nguyện và đặc biệt là thiền định”, Al Gore, cựu phó tổng thống Mỹ đã nói.