Cách đây 15 năm, tấm vài liệm Turin mà nhiều người tin là một trong những di vật thiêng liêng nhất của giáo hội Cơ Đốc đã được ba viện khoa học độc lập tuyên bố là vật giả mạo. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn rất quan tâm tới nó và những nghiên cứu mới cho thấy tấm vải Turin này đáng được kiểm tra một lần nữa.
Vải liệm Turin, dài khoảng 4 m, rộng 1 m, nhuốm máu và hằn lên hình khuôn mặt, tay và thân thể mờ nhạt của một nam giới bị tra tấn. Nhiều tín đồ Cơ Đốc giáo tin rằng đó là tấm vải liệm của Jesus. Raymond Rogers, một nhà hoá học vật lý đã nghỉ hưu, từng làm việc tại Phòng Thí nghiệm Quốc gia Los Almos ở New Mexico, Mỹ, cho rằng: mẫu được sử dụng để xác định niên đại của vải liệm Turin có nhiều khiếm khuyết và nên giám định lại. Kết luận này được dựa trên phân tích hoá học gần đây của ông về tấm vải và những quan sát năm 1978.
Rogers là một trong hơn hai mươi nhà khoa học Mỹ tham gia vào Dự án nghiên cứu tấm vải liệm Turin (STURP) vào năm 1978 – một cuộc điều tra khoa học kéo dài năm ngày tại Turin, Italia. Năm 1988, Vatican đã cho phép các chuyên gia cắt nhiều miếng có kích cỡ bằng con tem ở một góc của tấm vải, rồi đưa chúng tới ba phòng thí nghiệm để xác định niên đại bằng phương pháp phóng xạ carbon (Đại học Arizona, Đại học Oxford, và Viện Liên bang Thuỵ Sĩ). Kết quả cho thấy tấm vải được sản xuất vào khoảng năm 1260 tới năm 1390.
Tháng 12/2003, Rogers nhận được một mẫu vải liệm từ đồng nghiệp làm việc trong dự án STURRP. Mẫu này cũng được lấy vào năm 1988. Sử dụng phương pháp phân tích hoá học và kính hiển vi, Rogers đã phát hiện một chất kết dính đã được quét lên mặt sợi ở góc của tấm vải liệm bị cắt ra. Điều đó cho thấy tấm vải đã được phục chế. Chất kết dính có lẽ đã được sử dụng để gắn chất nhuộm vào sợi.
Rogers cho biết: “Góc vải này chắc chắn được nhuộm để phù hợp với màu ban đầu của tấm vải liệm”. Rogers cũng tìm thấy một chỗ ghép – bằng chứng cho thấy góc vải không chỉ được nhuộm mà còn được sửa chữa và dệt lại. Ông nghi ngờ chất nhuộm và công việc sửa chữa có lẽ đã được tiến hành ở vùng Cận Đông trong thời Trung cổ, trùng hợp với kết quả xác định niên đại bằng carbon, bởi mãi cho tới thế kỷ XVI, hỗn hợp chất nhuộm trên mới được du nhập tới Anh và Pháp.
Rogers nói: “Công việc giám định năm 1988 đưa ra niên đại chính xác của mẫu vải được cung cấp. Tuy nhiên, không có ai nghi ngờ chỗ vải được xác định niên đại có cấu trúc hoá học hoàn toàn khác với phần chính là niên đại của tấm vải”. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc dự án STURRP cũng cho thấy góc vải được lấy mẫu không giống các vùng khác của tấm vải liệm.
Theo Kinh Phúc Âm, Chúa Jesus được đưa xuống và cởi trói khỏi thánh giá, được đặt vào một ngôi mộ mà trước đó thi thể ông được cuốn vải theo tập quán Do Thái. Tuy nhiên, có rất ít tài liệu từ thời gian đó ghi chi tiết vị trí của vải liệm. Tấm vải liệm Turin thu hút sự quan tâm của công chúng và Giáo hoàng Clement VI, vào năm 1349 khi một hiệp sĩ người Pháp tên Geoffrey de Charny mua được nó ở Constantinople (Istanbul ngày nay). Tấm vải liệm được lưu tại một nhà thờ Lirey, Pháp và lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng vào năm 1355.
Kể từ cuộc triển lãm đầu tiên này, nhiều người hoài nghi về tính chân thực của tấm vải vì làm giả các đồ vật tôn giáo khá phổ biến trong thời Trung cổ. Kết quả xác định niên đại là vào năm 1988 đã làm cho nhiều người thoả mãn: Tấm vải là đồ giả mạo. Douglas Donahue, nhà vật lý thuộc Đại học Arizona, đã tới Turin vào năm 1988 để thu thập mẫu vải cho quá trình kiểm tra. Ông cho biết: “Tôi thoả mãn với cách lấy mẫu vải. Chúng tôi có nhiều chuyên gia vải tới từ các quốc gia và tất cả họ đều nhất trí mẫu chúng tôi nhận được đại diện cho toàn tấm vải.
Ngay cả khi phương pháp xác định niên đại bằng carbon cho thấy tấm vải có từ thế kỷ thứ I, khó có thể chứng minh nó là tấm vải liệm cuốn Chúa Jesus.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại không thoả mãn. Năm 1999, tại Hội nghị Thực vật học Quốc tế lần thứ XVI, Avinoam Danin, nhà sinh vật học thuộc Đại học Jerusalem, tuyên bố các hạt phấn hoa trên tấm vải chỉ có thể được tìm thấy ở Jerusalem. Ông kết luận tấm vải có nguồn gốc ở Trung Đông. Sudarium – tấm vải được cho là vải phủ mặt của Jesus – có dính phấn hoa giống nhóm AB. Do Sudarium được giữ trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha từ thế kỷ thứ VIII nên có thể thấy là tấm vải liệm Turin có niên đại cổ không kém Sudarium.
Dù tấm vải có thuộc về Chúa Jesus hay không thì nó cũng thu hút được hàng triệu du khách tại các buổi trưng bày. Giáo sư Phillip Wiebe thuộc Đại học Trinity Western, Canada, cho biết “Tấm vải liệm Turin có sức lôi cuốn cả về mặt khoa học lẫn tâm linh. Nó là một vật thể đầy bí ẩn. Câu hỏi đặt ra là hình ảnh trên vải được hình thành như thế nào và đó là hình ảnh của ai?”. Nếu hình ảnh này là giả định chăng nữa thì vẫn còn những bí ẩn xung quanh cách nó được tạo ra. Một số người cho rằng đó là hình vẽ. Tuy nhiên, giới phân tích nghệ thuật STURRP không tìm thấy bằng chứng của màu vẽ.