Chó có thể được huấn luyện để tìm ra thuốc phiện và chất nổ, hoặc lần theo dấu vết của kẻ tình nghi là tội phạm chỉ qua ngửi mùi. Vậy tại sao chúng ta không làm được điều đó? Các nhà khoa học của Viện Weizmann và Viện nhân chủng học tiến hóa Max Planck (Đức) đã có lời giải thích cho hiện tượng này.
Tất cả các động vật, trong đó có con người đều có khoảng 1.000 gene chi phối những protein phát hiện mùi, hay còn gọi là cơ quan cảm thụ khứu giác. Những thụ quan này khu trú trong lớp màng nhầy của mũi, và nhận ra một mùi hương nào đó bằng việc bám dính các phân tử chất mùi ấy. Tuy nhiên, các gene khứu giác không phát huy hiệu quả trên tất cả các loài động vật, mà chỉ trên một số loài. Phần trăm số gene này hoạt động sẽ quyết định độ nhạy bén với mùi của động vật hoặc người đó.
Trong các nghiên cứu trước kia, giáo sư Doron Lancet của Viện Weizmann đã khám phá ra rằng: hơn một nửa số gene khứu giác ở người chứa đột biến, khiến chúng không thể hoạt động bình thường.
Trong một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà nghiên cứu đã giải đáp được câu hỏi thứ hai: Liệu hiện tượng mất chức năng gene khứu giác có ảnh hưởng tới tất cả các loài linh trưởng, hay chỉ trên người?
Nhóm nghiên cứu đã so sánh ADN của 50 gene khứu giác chung cho cả người, vượn người và khỉ. Họ phát hiện thấy ở người, 54% số gene đó bị suy yếu, so với 28- 36% trên các loài vật còn lại. Các nhà khoa học cho rằng: quá trình suy giảm này kéo dài từ 3 đến 5 triệu năm và diễn ra trên người với tốc độ nhanh gấp 4 lần trên các nhánh linh trưởng khác, khiến con người thiếu nhạy cảm hơn với mùi vị.
Tuy nhiên, cũng theo các nhà nghiên cứu: Sự suy giảm chức năng khứu giác là một đặc điểm tiến hoá của homo sapiens. Nó có thể đã nảy sinh do sự phát triển khả năng thị giác của não người – khả năng cho phép chúng ta phân biệt màu sắc và các thành viên khác cùng loài qua những đặc điểm ngoại hình, chứ không chỉ bằng mùi vị.