Các nhà thiên văn đã tìm thấy những vùng trên xứ sở của Mặt trăng nơi mà ánh mặt trời không bao giờ tắt. Đó là 4 khu vực trên rìa miệng hố Peary rộng 73 km cực Bắc mặt trăng.
Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu là tiến sĩ Ben Bussey thuộc Đại học Jopkins ở Mỹ, đã xem xét các bức ảnh chụp cực mặt trăng do tàu thăm dò Clementine chụp năm 1994. Họ tạo ra một bộ phim thể hiện sự thay đổi độ chiếu sáng trên các vùng trên mặt trăng trong vòng một tháng.
Trục tự quay của mặt trăng nghiêng 1,5 độ so với mặt phẳng quỹ đạo của trái đất quay quanh mặt trời. Kết quả là mặt trăng có mùa ngắn hơn so với trên trái đất và qua mỗi mùa, điều kiện chiếu sáng lại thay đổi đáng kể tại các cực của nó. Có những đáy hố và thành miệng hố hướng về cực không bao giờ có ánh sáng mặt trời.
Giới nghiên cứu từng tin rằng: Không có nơi nào trên mặt trăng được chiếu sáng mãi mãi, mặc dù một số công trình đã xác định được vài điểm trên cực Bắc sáng trong 95% thời gian. Tuy nhiên, theo phân tích của nhóm thuộc Đại học John Hop- kins cho thấy, kết luận này có thể là quá vội vàng.
Không giống như ở cực nam của mặt trăng, nơi không có ngọn núi nào sáng vĩnh viễn, cực Bắc có những đỉnh núi được mặt trời chiếu rọi triền miên – ít nhất là trong mùa hè ở mặt trăng.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học hành tinh và Mặt trăng ở Houston, Texas, tiến sĩ Ben Bussey cảnh báo rằng: Việc chiếu sáng vĩnh viễn có thể là một hiệu ứng theo mùa và nó sẽ biến mất trong mùa đông (vì chúng ta chưa có dữ liệu vào mùa đó).
Phát hiện về vùng sáng thường xuyên này khiến cho cực Bắc của mặt trăng trở thành một địa điểm thú vị để thám hiểm và để đặt trạm nghiên cứu đầu tiên trên vệ tinh này.