Lần đầu tiên, nhờ thiết bị công nghệ cao dưới nước, các nhà khoa học đã thu được tiếng kêu của từng con cá kình riêng biệt. Băng ghi âm tiết lộ: Gia đình lũ cá voi này rất thích bắt chước nhau trong khi nói chuyện.
Trước đây, người ta cũng từng thu được âm thanh của cá kình (một nhóm động vật lớn thuộc họ cá heo trong bộ cá voi), song đó chỉ là những tiếng kêu pha tạp và các nhà nghiên cứu không thể phân biệt được nó phát ra từ thành viên nào trong bầy.
Dữ liệu trong cuộc nghiên cứu mới nhất phỏng đoán rằng cá voi giao tiếp với đồng loại tương tự như con người, các loài linh trưởng, cá heo và chim.
Patrick Miller, trưởng nhóm nghiên cứu tại Bộ phận nghiên cứu thú biển NERC (Đại học Andrews ở Scotland) và cộng sự đã theo dõi những con cá kình được đánh dấu bằng cách sử dụng một chiếc thuyền nhỏ kéo theo một chùm các ống nghe dưới nước. Chùm ống nghe này nhằm xác định góc tới của âm thanh và xác định con nào đang tạo ra tiếng động. Tất cả âm thanh thu được đều thuộc những nhóm gia đình nào đó, bởi cá kình sống theo đàn gần gũi nhau về huyết thống. Cá kình con thường không xa mẹ cho đến lúc chết.
Âm thanh được thu lại khi các cá thể tách khỏi bầy theo một góc ít nhất 20 độ. Từ đó, nhóm nghiên cứu có thể phân biệt từng con theo đặc điểm nhận dạng của chúng. Phân tích băng thu âm cho thấy khi một thành viên trong đàn cất tiếng, những con khác sẽ bắt chước kêu theo. Thử nghiệm trên những tiếng kêu ngẫu nhiên, chứng tỏ rằng số lần mô phỏng như vậy lớn hơn nhiều sự trùng lặp tình cờ, có nghĩa là cá kình phải cố ý bắt chước tiếng gọi của con khác.
Miller và cộng sự không chắc chắn về ý nghĩa của những âm thanh này, nhưng tin rằng “những cuộc nói chuyện” giúp gia đình chúng được bảo toàn.
Trong nhiều tình huống, con người cũng bắt chước nhau, như khi một người nào đó nói “xin chào” với một người bạn hoặc một người trong nhà, anh ta sẽ nhận được những câu đáp tương tự: “Xin chào”. Nghiên cứu trước kia còn thông báo rằng cá heo mũi to cũng tham gia những cuộc nhái tiếng như vậy.