Dù không được bình chọn là loài vật đáng yêu nhất nhưng dúi không lông có đủ đặc điểm để đứng trong hàng ngũ các loài thú kỳ lạ. Loài gặm nhấm này có những chiếc răng cửa rất lớn, với hai chiếc ở hàm dưới có thể vận động một cách độc lập: Sự khác biệt ở đây là nằm trong não của chúng.
Trong khi những “người bà con” có lông mao của dúi không lông sống theo kiểu cộng đồng (như ở ong và các loài côn trùng khác), thì loài vật này lại sống đơn lẻ. Vẻ ngoài trần trụi với vài cái lông thụ cảm thưa thớt còn sót lại, đôi tai và mắt nhỏ, đầy nếp nhăn, dúi không lông sống chui lủi trong những chiếc hang sâu dưới lòng đất. Những đặc điểm này giúp chúng thích nghi với cuộc sống đào bới và tối tăm. Nhưng chưa hết, điểm kỳ lạ nhất của chúng là những chiếc răng cửa rất lớn, hai chiếc ở hàm dưới có thể vận động độc lập với nhau, giúp chúng đào hang và di chuyển các vật một cách khéo léo.
Trong một cuộc nghiên cứu mới, các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng: Các vùng não của dúi không lông có sự biệt hóa tương tự, quyết định đến hoạt động của cặp răng kỳ dị này. Kenneth Catania và cộng sự tại Đại học Vanderbilt đã sử dụng các thiết bị điện tử tí hon ghi lại hoạt động thần kinh trong não dúi. Họ nhận thấy gần 1/3 vùng vỏ não chi phối cảm giác xúc giác (somatosensory cortex) là dành cho việc thu và phát thông tin tới những chiếc răng cửa ngoại cỡ. Trong khi đó, hai chân của dúi không lông chỉ nhận được 10% sự chi phối từ não.
Catania cũng nói rằng: Vùng vỏ não chi phối cảm giác xúc giác của dúi không lông dường như đã lấn át hết vùng vỏ não mới (thông thường có vai trò chi phối thị giác). Có lẽ vì thế mà tầm nhìn của dúi rất kém, nhưng chúng lại làm việc khá nhanh nhẹn trong bóng tối. Cho đến nay, người ta vẫn chưa hiểu vì sao dúi không lông lại dành phần não lớn đến thế cho những chiếc răng cửa. Nhưng dù với lý do gì đi nữa, kết quả cùng chỉ ra rằng: Đã có sự sắp xếp lại não bộ ở loài dúi không lông, song song với việc chuyên hóa các cấu trúc não và những hành vi có liên quan đến đời sống đào bới.