Ở một số loài khủng long, con đực có mỏ, mào và sừng lộng lẫy. Tuy nhiên, những “vũ khí” này chẳng có ý nghĩa gì về mặt sinh học, mà chỉ có tác dụng quyến rũ con cái. Đó là kết luận của nhà khoa học Scott Sampson, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Utah (Mỹ).
Trước đây, có rất nhiều cuộc tranh luận về chức năng của các bộ phận lớn như mỏ, mào và sừng của khủng long. Nhiều người cho rằng, chúng được sử dụng để điều chỉnh nhiệt độ thân thể khủng long, hoặc như một thứ vũ khí chống lại kẻ thù. Tuy nhiên, tiến sĩ Sampson cho rằng: Chúng chỉ có chức năng duy nhất, đó là tạo cảm hứng tình dục, tương tự như chiếc đuôi của con công đực vậy. Theo ông, lý do các giống khủng long có mào, mỏ và sừng là rất khác biệt, thậm chí có loài còn không có các bộ phận này.
Vì thế không thể nói rằng, chúng có một chức năng sinh học cụ thể. Theo Sampson, có lẽ ở thời thịnh trị, những con khủng long thường đưa đuôi lên cao rồi đung đưa để thể hiện mình, như một số loài chim hiện nay. Tuy nhiên, các nhà khoa học rất khó để phác họa được các động tác cụ thể của khủng long từ những hóa thạch đang có. Đến nay, hóa thạch ghi lại cảnh giao phối lâu đời nhất được biết đến là có niên đại 100 triệu năm. Đó là cảnh làm tình của một loài động vật thân giáp, dài 1 mm ở Brazil.