Tại di chỉ Mán Bạc, Ninh Bình (Việt Nam), các nhà khảo cổ vừa tìm thấy 10 ngôi mộ, với hài cốt đa phần là của trẻ em, có tuổi khoảng 3. 500 năm. Đó quả là những bằng chứng hữu ích, bởi nhờ đó mà các nhà khảo cổ học có thể nghiên cứu sự tồn tại của nền văn minh Tiền Đông Sơn, công việc mà từ trước tới nay tưởng như không thể làm được.
Một điều kỳ lạ là những bộ xương này còn khá nguyên vẹn. Ông Hà Văn Phùng, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ, cho biết: Hai mẫu xác định niên đại, một được gửi sang Australia và một phân tích C14 tại Viện đều cho kết quả giống nhau, xác định rằng cư dân Mán Bạc thuộc thời đại đồng thau, tồn tại cách đây khoảng 3. 500 năm, tương đương giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên – Hoa Lộc và giai đoạn văn hóa Đồng Đậu – Đan Nê.
Trong 55 địa điểm của văn hóa Phùng Nguyên, chỉ phát hiện được 3 địa điểm có di cốt người, nhưng không còn nguyên vẹn. Tại 12 địa điểm của văn hóa Đồng Đậu, chỉ tìm thấy hai địa điểm có di cốt người, nhưng cũng đã bị mủn. Vì thế, việc tìm thấy những bộ xương tại di chỉ Mán Bạc là rất “may mắn”.
Theo chị Thủy, cán bộ Cổ nhân học của Viện, những bộ xương này là cổ liệu quý. Bởi, tuy Viện có tài liệu của tất cả các thời kỳ Sơ sử và Tiền sử, nhưng lại chưa có tài liệu đầy đủ về nhân chủng học của văn hóa Tiền Đông Sơn. Với những chiếc sọ còn nguyên vẹn của nền văn hóa này, việc nghiên cứu xác định giới tính, chủng tộc, nhóm máu, độ tuổi… sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Ngoài ra, những ngôi mộ này đều có đồ tùy táng chôn theo như nồi gốm, vòng trang sức. Có những chiếc vòng bằng ốc hết sức kỳ lạ. Những hạt vòng như chiếc khuy áo mỏng, có đục lỗ rất mịn. Các nhà khảo cổ đang tìm hiểu những trang sức trên vì từ trước đến nay, đây là lần đầu tiên tìm thấy đồ vật chôn bằng kim loại trong ngôi mộ.