Khoa học kỹ thuật phát triển đến hôm nay và đã chế tạo ra hàng loạt người máy nói được nghe được. Việc đó không còn là khó khăn nữa. Vậy thì người máy tại sao lại biết nghe và hiểu được tiếng người?
Để giải đáp được câu hỏi này, chúng ta trước hết hãy xem qua một người làm sao để nghe được lời nói của người bên cạnh.
Chúng ta biết rằng tai con người là một khí quan rất phức tạp. Nó được tạo thành bởi rất nhiều tế bào lông và bộ cộng hưởng. Trên tế bào lông có mọc nhiều lông tơ. Những lông này có thể tiếp nhận âm thanh truyền đến và khiến những âm thanh này chuyển thành tín hiệu điện kiểu mạch xung. Những mạch xung điện này lại truyền tới khu thính giác của đại não dẫn tới thính giác. Lúc này đại não sẽ căn cứ vào sự to nhỏ, mạnh yếu của tín hiệu điện để phán đoán hàm nghĩa của lời người bên cạnh.
Người máy sở dĩ có thể nghe hiểu được lời người là do nó có được “cơ quan thính giác” tựa như tai người. Tuy rằng “tai” của người máy không tinh tế và phức tạp như tai người. Nhưng nguyên lí thính giác của cả hai về cơ bản là như nhau.
“Tai” của người máy là bộ cảm biến thính giác. Nó có thể sinh ra phản ứng với âm thanh và đưa ra tín hiệu tới “vùng thính giác”. Người máy muốn nhận ra được rõ ràng lời nói của con người và nội dung cũng không phải là việc dễ dàng. Bởi vì âm thanh của con người chịu ảnh hưởng của tuổi tác, giới tính, vùng quê, sinh lí và tình cảm. Do vậy muốn hiểu được lời người nói, với người máy là một vấn đề rất khó. Để thực hiện việc đối thoại giữa con người và người máy, trước hết cần phải quy định là phải nói chuyện với người máy bằng ngôn ngữ tiêu chuẩn. Sau đó là phải hạn định lượng từ sử dụng trong đối thoại. Đó là điều kiện tiên quyết để người máy nghe hiểu được tiếng người. Thế nhưng vẫn chưa đủ, người máy còn phải có một “đại não” – máy tính, để hiểu và phán đoán được hàm nghĩa của âm thanh.
Chỉ như vậy thì người máy mới có thể thực sự nghe hiểu được tiếng người.