Vì sao người bị bệnh tim thường bị tím môi?

NỘI DUNG BÀI VIẾT

Trong cơ thể có hai loại máu: máu động mạch chứa nhiều ôxy nên có màu đỏ tươi; máu tĩnh mạch chứa CO2 nên màu hơi đen.

Máu động mạch đưa ôxy đến khắp các cơ quan, làm cho cơ thể hoạt động bình thường. Khi ôxy đã bị tiêu hao hết, máu động mạch sẽ trở thành máu tĩnh mạch. Sau đó, máu trao đổi khí ở phổi để bổ sung ôxy, tiếp tục theo động mạch đến các tế bào. Trong quá trình này, tim đóng vai trò rất quan trọng. Nó giống như cái bơm không ngừng bơm máu động mạch, mang nhiều ôxy đi khắp toàn thân và thu hồi máu trong tĩnh mạch để đưa lên phổi, tiến hành trao đổi khí. Một khi tim mắc bệnh thì công năng bơm sẽ giảm yếu hoặc mất đi, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu.

Tim có 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất. Chúng giống như bốn gian phòng. Tâm nhĩ trái và tâm thất trái thông với nhau, chứa máu động mạch; tâm nhĩ phải và tâm thất phải cũng thông với nhau, chứa máu tĩnh mạch. Trong trường hợp bình thường, tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải, tâm thất trái và tâm thất phải không thông với nhau. Nhưng ở một số bệnh nhân tim, vách ngăn giữa hai bên xuất hiện lỗ thủng nhỏ, khiến máu tĩnh mạch vốn ở tâm nhĩ phải và tâm thất phải sẽ lẫn sang máu động mạch. Khi đó, hàm lượng ôxy trong máu sẽ thấp đi. Chúng đi theo động mạch đến khắp cơ thể, cho nên môi của bệnh nhân có màu đậm hơn so với người bình thường, thậm chí có màu tím.

Môi màu tím không chỉ xuất hiện ở người bệnh tim. Nếu phổi trao đổi khí không tốt, hoặc cơ thể bị lạnh nặng, máu cung cấp không đủ cũng sẽ xuất hiện môi tím.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hỏi đáp & Tư vấn © 2013 Liên hệ