Trong cuộc sống thường ngày ta thường gặp trường hợp: người chuyển đến một vùng mới, vì môi trường địa lý đột nhiên thay đổi mà cảm thấy khẩu vị không hợp, mất ngủ, choáng đầu, uể oải, thậm chí người gầy đi, ỉa chảy, ngứa… Những hiện tượng này không phải do bệnh tật gây nên mà là do đột nhiên thay đổi môi trường, dân gian thường gọi là “ngã nước”.
Vì sao một người đang bình thường lại “ngã nước”? Nguyên nhân chủ yếu là cơ thể có phản ứng không thích nghi được với khí hậu, địa hình, nước uống, thức ăn và các điều kiện phong tục tập quán ở chỗ mới. Đặc biệt, hệ thần kinh trung khu vừa là bộ tư lệnh tối cao của cơ thể, vừa có vai trò chỉ huy và điều hòa mối liên hệ giữa cơ thể với môi trường bên ngoài. Bình thường, đối với môi trường đã quen thích ứng thì quá trình hưng phấn và ức chế của hoạt động thần kinh thường giữ được cân bằng. Nhưng sau khi thay đổi môi trường, mối liên hệ giữa cơ thể và môi trường bị nhiễu loạn, từ đó làm đảo lộn mối quan hệ cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hoạt động thần kinh, dẫn đến xuất hiện một loạt các chứng “ngã nước”.
Nhưng con người có bản năng thích ứng với môi trường và chiến thắng tự nhiên. Sau khi xuất hiện hiện tượng “ngã nước”, công năng sinh lý của cơ thể sẽ tiến hành một loạt điều chỉnh khiến cho nó dần dần thích nghi với môi trường mới.
Đặc biệt là thanh thiếu niên, sự thay đổi về sinh lý để thích nghi với môi trường rất mạnh, họ luôn luôn dễ khắc phục hiện tượng “ngã nước” hơn” so với người lớn tuổi.