Trung Quốc có câu “Thuốc bổ không bằng thức ăn bổ”; nghĩa là người bình thường nên dựa vào thức ăn để bổ sung dinh dưỡng là chính, không nên dựa vào thuốc để tăng thêm sức khỏe. Một số người cho rằng uống nhiều thuốc bổ là tốt nên uống nhiều nhân sâm, a giao, lộc nhung… Kết quả là ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Nếu nói về nhân sâm, vốn được coi là “vua của các loại thuốc” thì hồng sâm thiên về nhiệt, sinh sâm thiên về lạnh, bạch sâm thiên về ôn. Người hỏa khí mạnh không nên uống hồng sâm, nếu uống sẽ gây đau đầu, miệng khô, cổ họng và mũi xuất huyết. Người hỏa khí yếu không được uống sinh sâm, nếu uống sẽ sợ rét, choáng đầu, hoa mắt, tiêu chảy. Việc uống nhiều bạch sâm sẽ gây ra hưng phấn, kích động, mất ngủ và huyết áp tăng cao.
A giao là một loại keo da được nấu từ da con lừa đen, có tác dụng tư bổ đối với phụ nữ kinh nguyệt quá nhiều. Nhưng người khỏe dùng loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến công năng tiêu hóa, thậm chí gây hiện tượng đau bụng, đi ngoài.
Lộc nhung là loại thuốc bổ thích hợp với người già sợ lạnh và phụ nữ cơ thể yếu. Người khỏe mạnh dùng nó sẽ cảm thấy không thoải mái, thậm chí sinh các hiện tượng căng đầu, khô miệng, mũi xuất huyết.
Ngoài ra, đối với nhiều thuốc bổ được chưng cất, tinh chế (như nhân sâm, sữa ong chúa, bột trùng thảo)…, không phải người nào cũng uống được.
Một người khỏe bình thường không cần uống thuốc bổ, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên, những người có công năng sinh lý tốt, sự hấp thu, đào thải đều mạnh mẽ, các khí quan trong cơ thể đang phát triển. Việc loạn ăn, loạn uống có thể sản sinh tác dụng phụ. Đã có một số trẻ em vì uống thuốc bổ có những thành phần kích thích mà dẫn đến dậy thì sớm. Những người cần uống thuốc bổ cũng không được uống lung tung mà phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình hình sức khỏe để chọn loại thuốc bổ thích hợp, lượng uống vừa phải.