Có một số người khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là với người lạ, thầy giáo hoặc người lớn tuổi, thường cảm thấy xấu hổ và sợ hãi. Họ thường lắp bắp, nói nhỏ, thậm chí có lúc nói không ra lời. Tại sao vậy?
Trước hết, đó là vì nguyên nhân tâm lý. Người hay xấu hổ thường cảm thấy mình yếu đuối và vô cùng tự ty. Trong đó, có người thiếu lòng tự tin, quá lo lắng là mình sẽ để lại ấn tượng không tốt cho người khác, luôn lo sợ người khác khinh mình. Có người trong giao tiếp gặp phải trắc trở, từ đó trở nên thiếu mạnh dạn.
Thứ hai là nguyên nhân về sinh lý. Phản ứng sinh lý khi xấu hổ hoàn toàn giống như trạng thái căng thẳng: tim đập nhanh, cơ bắp căng thẳng, hàm lượng các chất kích thích trong máu và trong não tăng cao. Lúc đó, nhịp tim rối loạn, mặt đỏ, tay run, thậm chí toát mồ hôi.
Thứ ba là nguyên nhân về xã hội. Khi Lâm Đại Ngọc trong “Hồng Lâu mộng” vừa đến Giả phủ thì rất thẹn thùng e ngại. Hình tượng này được cho là điển hình của nữ tính, nhận được sự đồng cảm của xã hội. Theo một điều tra ở Nhật Bản, đa số người được hỏi đền cho rằng, phẩm chất nên có của nam giới là tính cương nghị; còn phẩm chất nên có của phụ nữ là tính dịu dàng, mà xấu hổ là một biểu hiện.
Làm thế nào để khắc phục tâm lý xấu hổ? Thứ nhất, phải tăng cường lòng tự tin, khẳng định đầy đủ chỗ mạnh của mình, khuếch trương chỗ mạnh, tránh chỗ yếu. Thứ hai, phải tranh thủ cơ hội tranh luận (trước dễ, sau khó) để rèn luyện. Ví dụ: Chủ động phát biểu trước nhiều người quen biết, sau đó mở rộng phạm vi và tăng thêm độ khó; cuối cùng là phải tiếp xúc nhiều với những người có tính cách cởi mở, lạc quan, nhiệt tình để có lợi cho việc khắc phục tâm lý xấu hổ.