Với người máy, ngoài “bộ óc” thì tay và chân cũng có ý nghĩa quan trọng. Tay người máy phải mô phỏng được chức năng của ngón tay và bàn tay con người một cách cao nhất. Như vậy, nó mới có thể thay người để làm các công việc khác nhau.
Ngón tay của con người rất linh hoạt, nó có thể mở về phía bên trái bên phải, lại có thể cong tự do. Ngón tay vừa khép vào nhau vừa khum lại là có thể vốc nước lên. Ngón tay mở ra một chút là thành cái sàng. Mở ra rộng hơn thì dùng làm lược để chải đầu, Xòe mở hẳn ra thì có thể làm cái đĩa đựng đồ. Còn về chức năng cầm nắm của ngón tay thì còn nhiều hơn. Ví dụ như ngón tay cái đối diện với các ngón khác thì có thể nắm lấy đồ vật khá to. Khi đầu ngón tay cái đối diện với các đầu ngón khác thì có thể nhón lấy các đồ vật rất mỏng, rất nhỏ bé v.v.
Tay người máy được tạo thành bởi các bộ phận như cẳng tay, cổ tay, đòn tay. Cẳng tay và đòn tay có thể co duỗi ngửa úp và lay động. Cổ tay dùng để nắm bắt đồ vật và giúp ngón tay làm việc. Bộ phận này trực tiếp quan hệ với tính linh hoạt của tay rôbốt.
Muốn cho người máy sử dụng được linh hoạt thì phải làm cho nó có thể tự do vận động trong một phạm vi không gian nhất định. Trình độ vận động tự do này gọi là “độ tự do” của người máy. Ví dụ cánh tay của robot có thể tự ý hoạt động các hướng trước sau, trái phải, thông qua tác dụng khớp vai; có thể lật sấp đưa lên đưa xuống, lắc qua lắc lại, quay tròn. Khả năng này của người máy gọi là “độ tự do” của robot. Độ tự do cao thì động tác của người máy càng linh hoạt, tính thích ứng càng cao, tác dụng càng rộng rãi.
Để cho tay rôbốt có được tự do tương đối cao, người ta đã lắp đặt bộ cảm biến cho ngón tay robot. Với sự dẫn dắt của bộ cảm biến, tay người máy không những rất linh hoạt mà có thể đạt được vị trí con người yêu cầu. Các nhà khoa học dự báo rằng trong tương lai gần thì ngón tay người máy có thể linh hoạt đến mức có thể xâu kim được. Đến lúc đó nếu như bà lão mắt mờ muốn làm việc khâu vá thì cũng chẳng phải sai bảo con cháu giúp nữa, chỉ yêu cầu người máy là xong.