Có những trẻ em rất hiếu động, từ sáng đến tối ngoài thời gian ngủ ra thì hoạt động không ngừng. Do đó, nhiều bậc bố mẹ cảm thấy lo lắng, cho rằng con mình mắc bệnh động nhiều. Thực ra, trẻ em hiếu động là bẩm tính. Hiếu động không phải là chứng động nhiều. Hai trường hợp nên được phân biệt một cách rõ hơn để tránh ảnh hưởng đến sự lành mạnh của con cái.
Trong y học, trẻ em quá hiếu động, sức chú ý phân tán, kèm theo tính cách và hành vi luôn thay đổi được coi là mắc chứng hay động. Theo kết quả điều tra ở mấy trường tiểu học Thượng Hải, tỷ lệ phát sinh chứng hay động ở trẻ em là khoảng 5 -13%. Nguyên nhân có thể do di truyền, não bị chấn thương hoặc môi trường gây nên.
Những biểu hiện chủ yếu của bệnh gồm có: không tập trung được sự chú ý, động tác lặt vặt nhiều, một số có thể ít động, ngồi tĩnh một chỗ trong lớp học, nhưng tư tưởng lại đang “mông lung không cố định”. Loại trẻ em này hành động nhiều, nội dung hoạt động không rõ rệt, trong phòng học có thể tự ngồi gọt bút chì, cắn móng tay, nghịch sách vở làm ảnh hưởng đến các bạn chung quanh, thậm chí bất giác đánh nhau. Sau giờ học về nhà không đúng giờ, lang thang trên đường, phần nhiều học tập khó khăn, thậm chí lưu ban. Để bố mẹ dễ phân biệt trẻ em có mắc chứng động nhiều hay không, các bác sĩ đưa ra mấy tiêu chuẩn sau để phán đoán.
1. Sức chú ý không tập trung (tối thiểu có 3 trong 5 mục sau):
– Làm việc qua loa, không hoàn thành công việc theo từng bước.
– Lên lớp không chú ý nghe giảng.
– Sức chú ý dễ bị phân tán.
– Không thể tập trung chú ý một thời gian dài để làm xong bài hoặc những việc khác.
– Khi tham gia trò chơi cũng khó làm đầy đủ từ đầu đến cuối.
2. Dễ bị xung động (có 3 trong 5 mục sau):
– Làm việc thiếu suy nghĩ.
– Nhiều lần bỏ dở việc này để chạy theo việc khác.
– Không thể làm một việc một cách có thứ tự (không phải do năng lực nhận thức gây nên).
– Thường gọi to vô cớ trong lớp học.
– Khi chơi tập thể, không chờ được đến phiên mình.
3. Hoạt động quá mức (tối thiểu có 2 mục trong 5 mục sau):
– Hay chạy nhảy hoặc leo trèo.
– Ngồi không yên hoặc đứng ngồi không ổn định.
– Không thể ngồi yên ở chỗ của mình, nhấp nha nhấp nhổm.
– Khi ngủ thường hay trở mình.
– Hoạt động suốt từ sáng đến tối, không hề nghỉ ngơi.
4. Bị một bệnh nào đó trước 7 tuổi, bệnh kéo dài trên 6 tháng.
5. Loại trừ tất cả những nguyên nhân khác, kể cả nguyên nhân do giáo dục gia đình không thích đáng, hoặc có những hành vi giáo dục không thích hợp… gây nên, trẻ có biểu hiện phát triển trí tuệ rất chậm chạp.
Một khi đã chẩn đoán chính xác trẻ em có chứng động nhiều, nên cải thiện môi trường, sửa đổi phương pháp giáo dục, kết hợp uống thuốc theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Chỉ cần trẻ em, bố mẹ, thầy giáo và bác sĩ tích cực phối hợp với nhau thì hiệu quả chữa trị nói chung là tốt, thậm chí có thể chữa khỏi hoàn toàn.