Rất nhiều bạn nhỏ có thói quen ngoáy tai, thậm chí có lúc còn dùng cả que cứng cho vào lỗ tai ngoáy. Thực ra, ráy tai không có hại đối với sức khỏe con người, thậm chí còn có tác dụng bảo vệ tai là đằng khác.
Dưới mặt da của cơ thể có nhiều tuyến mỡ, thường tiết ra chất dầu. Tương tự, trong ống tai cũng có tuyến mỡ tiết ra chất dầu. Nó có thể dính kết các chất bẩn hoặc các vảy nhỏ trong tai, kết thành ráy tai.
Những chất bẩn trên các bộ phận khác của cơ thể được tẩy sạch thông qua tắm rửa. Nhưng lỗ tai sâu, không dễ làm sạch, thời gian càng dài, chất bẩn tích lũy càng nhiều. Trong trường hợp bình thường, ráy tai tích lũy nhiều sẽ tự rơi ra. Khi ta ăn hoặc nói, lỗ tai bị động đậy, dần dần làm cho ráy tai bong ra.
Một lượng ráy nhất định nằm trong tai, nhiều lúc lại có ích. Ví dụ, khi ngẫu nhiên có con sâu nhỏ chui vào lỗ tai, nếu nó cứ thế đi thẳng vào thì sẽ gặp tai giữa, có thể gây tổn thương cho màng nhĩ. Nhưng nếu trong tai có ráy, tai họa bất ngờ này sẽ được ngăn chặn. Do ráy tai có vị đắng đặc biệt nên con sâu sẽ phải bò ra.
Tác hại lớn nhất của việc ngoáy tai là dễ gây tổn thương cho ống tai. Da trong ống tai rất mềm và non; nếu không cẩn thận, ống tai sẽ bị nhiễm vi khuẩn, viêm có mủ. Đương nhiên, nếu làm rách màng nhĩ thì vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Vì vậy, ngoáy tai không phải là một thói quen tốt. Khi ráy tai tích lại rất nhiều, gây ngứa ngáy khó chịu, cần phải ngoáy tai, nhưng tốt nhất là dùng đầu que tăm cuốn bông sạch, tuyệt đối không dùng những que cứng hoặc nhọn để ngoáy tai.